Nguồn vật liệu thi công Vành đai 4 vùng Thủ đô đang gặp khó khăn, vướng mắc ra sao?

Có tới 49 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô ngày 12/9, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, sau hơn 2 tháng khởi công, 3 dự án thành phần đang thực hiện, nhưng gặp khó về nguồn đất, cát.

du-an-vanh-dai-4-vung-thu-do-thieu-vat-lieu-cat-dat-dap-nen-pld-1694619352.jpeg
Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô thiếu vật liệu cát, đất đắp nền

Theo ông Cường, đây là tình trạng chung đang diễn ra trên cả nước vì những vướng mắc về cơ chế, tiêu biểu như dự án đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Dự kiến, nhu cầu vật liệu xây dựng của toàn bộ dự án trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là 9,6 triệu m3 đất đắp; 7,5 triệu m3 cát đắp, cát xử lý nền đất yếu. Tính riêng nhu cầu vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) và dự án thành phần 3 (xây dựng cao tốc) trên địa phận Hà Nội khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp và hơn 5,5 triệu m3 cát.

Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng số 17 mỏ đất với tổng trữ lượng 57,24 triệu m3, bao gồm 3 mỏ tại Hà Nội, 6 mỏ tại Hòa Bình, 4 mỏ tại Vĩnh Phúc và 4 mỏ tại Thái Nguyên. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa có mỏ đất có giấy phép cấp cho các dự án xây dựng. Hiện, các nhà thầu mới chỉ sử dụng vật liệu từ nguồn thương mại bao gồm 12 mỏ đất đắp và cát đắp (không có mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội).

Đặc biệt, đến nay chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vật liệu thương mại do vận chuyển xa nên giá các loại vật liệu này cao so với đơn giá nhà nước.

Hiện nay, để thực hiện theo cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1, nhà thầu Vinaconex đã đăng ký khai thác mỏ đất đồi Gò Đỉnh, mỏ cát Chu Phan; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đăng ký khai thác mỏ cát Thạch Đà 1, mỏ cát Chu Phan 1.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án vành đai 4 vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục cần thiết để lập danh mục mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn (gồm mỏ đã có, đã giao và mỏ mới); đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

"Đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, hạ giá thành, vừa đáp ứng ổn định, lâu dài nhu cầu vật liệu thi công", ông Đinh Tiến Dũng nói, đồng thời yêu cầu thời hạn tập trung hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này là trong tháng 9/2023.

Đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, UBND TP Hà Nội thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND hoặc kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố trong tháng 9, bảo đảm đầy đủ tính pháp lý.

Ngoài ra, ông Đinh Tiến Dũng còn lưu ý phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý. Đề nghị giao Công an TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm...

Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Dự án khởi động năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.