Nhận diện, xử lý “truyền thông bẩn” trên mạng xã hội

11/03/2024 22:10

Theo dõi trên

Những năm trở lại đây, thuật ngữ “truyền thông bẩn” xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, kéo theo đó hàng loạt ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng, nhất là đối với các bên liên quan. Từ những “chiêu trò” như tung tin giả, sai sự thật, bịa đặt… nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở pháp luật, ngang nhiên xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thu lời bất chính cho bản thân.

nhan-dien-xu-ly-truyen-thong-ban-tren-mang-xa-hoi-pld-1710169618.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: Reuters).

Trước khi mạng xã hội xuất hiện, truyền thông thường chỉ được khai thác qua báo chí chính thống và lệ thuộc vào các quy định liên quan. Nhưng hiện nay, khi các trang mạng xã hội xuất hiện ngày một nhiều, truyền thông cũng phát triển một cách tự do hơn. Nhờ đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động hơn, có nhiều phương thức hơn để truyền thông cho mục tiêu riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, có không ít kênh truyền thông trên mạng xã hội lại được sử dụng vào những mục đích tiêu cực như xúc phạm, tấn công, cố tình làm phương hại, thậm chí tiêu diệt đối thủ bằng những thủ đoạn tinh vi núp bóng thông điệp tốt đẹp, tưởng chừng như đầy trách nhiệm.

Tự "gắn mác quyền lực” trên mạng xã hội

Chắc hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ việc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạm vi phạm hành chính đối với Trần Tiến Bảo, chủ tài khoản Facebook “Trùm phốt IELTS” do có hành vi sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý vào tháng 9/2020.

Đây không phải lần duy nhất Trần Tiến Bảo (hay còn gọi là “Bảo Bảo” và “BB”) cố tình tạo dư luận để gây dựng niềm tin với cộng đồng mạng qua việc “đặt điều bất chấp” cho các giáo viên, trung tâm dạy tiếng Anh.

Mục đích cuối cùng của “Trùm phốt IELTS” là xây dựng tiếng nói trên mạng xã hội để làm lợi cho trung tâm tiếng Anh mà Tiến Bảo sở hữu với tên gọi Lê Yến IELTS Class.

so-thong-tin-va-truyen-thong-ha-noi-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-doi-voi-chu-tai-khoan-facebook-su-dung-thong-tin-cua-ca-nhan-khac-ma-khong-duoc-su-dong-y-pld-1710169618.jpg
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tài khoản Facebook sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý.

Thực tế, chất lượng dạy và học ở trung tâm trên cũng bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc cho học viên. Tuy nhiên, khi học viên lên tiếng thì trung tâm lập tức cắt liên lạc, thậm chí có hành vi xử sự không đúng mực như xúc phạm danh dự, đe dọa… Tiêu điểm, có vụ việc đã được chương trình “Chuyển động 24h” của Đài Truyền hình Việt Nam trong phóng sự “Mất tiền vì chiêu lừa học IELTS trực tuyến kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Trong phóng sự, ngay ở buổi học đầu tiên, nữ học viên đã thấy nhiều dấu hiệu bất thường, không đúng với cam kết từ phía trung tâm, cho nên đã đề nghị rút lại tiền cọc đã nộp. Thế nhưng, trung tâm không đồng ý và thản nhiên chặn liên lạc của nữ học viên. Cũng trong phóng sự, nhiều học viên khác đã trình bày những bức xúc về các cam kết “ảo” mà Lê Yến IELTS Class rêu rao không đúng sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.

Liên quan đến cách làm việc lạ lùng của trung tâm, thời gian qua, đã có không ít giáo viên và trung tâm đào tạo tiếng Anh tố cáo việc Bảo Bảo tìm mọi cách để gây ảnh hưởng tiêu cực nhằm đe dọa, đòi tiền quảng cáo trên mạng xã hội. Trường hợp không làm theo yêu cầu, kẻ tự xưng là “trùm phốt IELTS” sẽ lập tức “đăng đàn” nói xấu bằng những lời lẽ thô tục, chợ búa.

mot-phan-phong-su-cua-chuong-trinh-chuyen-dong-24h-pld-1710169618.jpg
Một phần phóng sự của chương trình “Chuyển động 24h”.

Có thể thấy rằng, hành vi nêu trên không những vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, cố tình bôi nhọ, vu khống cá nhân, tổ chức, mà còn gây suy đồi đạo đức trong cộng đồng giáo viên, học sinh. Chính vì những hành vi đó, mà không ít giáo viên chưa đủ bản lĩnh vững vàng đã “chuyển hướng” để tìm danh tiếng bằng “truyền thông bẩn”, các em học sinh, sinh viên cũng lơ là việc học tập, thay vào đó chỉ tập trung “hóng phốt”.

Đáng nói hơn, sau hàng loạt vấn đề gây bức xúc, trang mạng xã hội của kẻ tự xưng là "Trùm phốt IELTS" vẫn tiếp tục đăng tải nhiều thông tin không có kiểm chứng nhằm cố tình hạ thấp danh dự của các trung tâm khác. Chiêu lách luật "câu view bất chấp" của Bảo Bảo vẫn vậy: nói chệch tên các trung tâm "con mồi", đưa ra luận điểm vô căn cứ dưới dạng "câu hỏi nghi vấn" để thao túng tâm lý đám đông.

Cũng với cách làm trên, Bảo Bảo lại tự khoác lên mình vai diễn của một "anh hùng chính nghĩa" trên mạng xã hội, luôn nỗ lực tìm kiếm và cảnh báo các bạn trẻ về những trung tâm "kém chất lượng". Để vai diễn được thuyết phục nhất có thể, Bảo Bảo còn ngang nhiên chỉ trích vô căn cứ các cơ quan báo chí, ngôn luận chính thống trên trang cá nhân.

trang-ca-nhan-cua-bao-bao-pld-1710169618.jpg
Dù quan điểm đưa ra vô căn cứ, nhưng trang cá nhân của Bảo Bảo vẫn có hàng chục nghìn lượt xem qua mỗi sản phẩm "truyền thông bẩn".

Hệ lụy không nhỏ trong cộng đồng

Kết quả của những vụ việc liên tiếp kể trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng giáo viên, học viên đam mê trau dồi kiến thức ngoại ngữ. Nhiều người trong số này, vì muốn tránh né rắc rối trong thời gian đầu khởi nghiệp nên đã chấp nhận tiêu tốn tiền của, chạy theo “truyền thông bẩn”.

Trong khi đó, không ít học viên đã buộc phải lên tiếng kêu cứu vì trót tin vào thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật để rồi "tiền mất, tật mang". Trung tâm kém chất lượng, nhưng khiếu nại thì không những không được xem xét, mà còn bị dọa dẫm, cắt liên lạc, thậm chí bị mang đi "bóc phốt ngược" trên không gian mạng(!?)

Qua những vụ việc kể trên, có thể thấy rằng: tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng là nguyên nhân trực tiếp tác động tiêu cực đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội.

Thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật, các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, đáng chú ý có “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” với 3 chương, 9 điều, thể hiện tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội trong nước, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Mặc dù vậy, xử lý “truyền thông bẩn” và nhất là những cá nhân tự cho mình có quyền lực trên không gian mạng không chỉ đòi hỏi sự kiên quyết của các cơ quan pháp luật, mà còn cần thái độ công bằng, đạo đức, trách nhiệm của người tiếp nhận thông tin. Bởi mỗi dòng bình luận, dù vô tình hay cố ý, đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của các cá nhân, uy tín của doanh nghiệp, thương hiệu và để lại hậu quả khó lường trong cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện, xử lý “truyền thông bẩn” trên mạng xã hội" tại chuyên mục Khám Phá. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com