Hầu hết những người đã đọc tiểu thuyết Chúa Ruồi của Wiliam Golding, Nobel Văn chương năm 1983, đều cảm thấy hoang mang, vỡ mộng về bản chất của con người. Nhà sử học Rutger Bregman cũng từng như vậy. Tuy nhiên, khi tìm hiểu tác giả của cuốn tiểu thuyết, Bregman phát hiện, hóa ra Golding là một người bất hạnh, nghiện ngập, trầm cảm, hay bạo hành con cái, đến mức chính ông cũng từng thú nhận: “Tôi hiểu những gã phát xít là như thế nào, vì bản chất tôi chính là một gã phát xít mà.”
Từ phát hiện đó, Bregman nảy sinh nghi ngờ và bắt đầu tìm kiếm một Chúa Ruồi phiên bản đời thực, để xem bọn trẻ sẽ làm gì nếu chỉ có một mình trên đảo hoang. Quá trình tìm kiếm của Bregman, mà theo ông có một chút may mắn, cuối cùng đã dẫn ông đến với hành trình của 6 cậu bé người Tonga (thuộc Nam Thái Bình Dương) sống trên một hòn đảo hoang hơn một năm liền sau khi bị đắm tàu.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 6/1965, 6 cậu bé từ 13-16 tuổi là học sinh trường nội trú Công giáo nghiêm khắc St Andrew’s cảm thấy chán trường và nảy ra ý định bỏ trốn tới Fiji cách đó khoảng 500 dặm rồi đến New Zealand. Các cậu đã “mượn tạm” chiếc thuyền từ một ngư dân và ra khơi với chút thực phẩm và nước uống.
Cơn mưa bão ngay tối khuya hôm đó khiến chiếc thuyền của các cậu bị rách buồm, vỡ bánh lái. Sau 8 ngày lênh đênh trên biển, các cậu may mắn nhìn thấy một hòn đảo nhỏ hiện lên cuối đường chân trời. Đặt chân lên được hòn đảo, 6 cậu bé đã cùng thỏa thuận để xây dựng tại đây một hệ sinh thái nhỏ, nuôi sống chính mình trong hơn một năm trời cho đến khi được giải cứu. Các cậu đặt ra các quy tắc để duy trì mối quan hệ thân thiện, thực hiện các hoạt động để khích lệ tinh thần của cả nhóm. Khi được giải cứu, ngoại trừ việc trần truồng, tất cả đều khỏe mạnh, không mắc bất cứ một bệnh gì; và họ vẫn là bạn bè của nhau trong hơn 50 năm qua.
Chúa Ruồi phiên bản đời thực khác xa tác phẩm của Wiliam Golding – cuốn tiểu thuyết tiêu biểu minh họa cho lý thuyết vỏ ngoài với quan niệm rằng: bản chất của con người là ích kỷ, hung hăng, dễ hoảng loạn; văn minh chỉ là lớp vỏ bọc mỏng manh bên ngoài, dễ biến mất trước sự khiêu khích dù nhỏ nhặt nhất. Con người, trong tác phẩm của Bregman, là những sinh vật phức tạp, có cả mặt tốt lẫn mặt xấu, nhưng luôn thể hiện sự tử tế, thiện lương của mình trong các biến cố lớn của xã hội như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… , bất chấp sự toan tính có chủ đích của nhiều nhà tư tưởng, lãnh đạo, thể chế được tiếp tay bởi giới truyền thông ưa thích phát tán những thông tin giật gân.
Cũng với cách tiếp cận hấp dẫn này, tác giả tiếp tục đưa ra các câu chuyện sinh động lý giải tại sao lòng tốt ở con người lại bị tha hóa, đồng thời chỉ ra các thể chế xã hội được xây dựng dựa trên quan điểm bản chất con người là ích kỷ, xấu xa thì sẽ đi về hướng nào.
Theo Bregman, lòng tốt của con người có thể bị tha hóa do thấu cảm che mờ lý trí. Trong nghiên cứu của mình, ông phỏng vấn rất nhiều người lính Đức từng tham chiến trong Thế chiến thứ hai và nhận thấy: hàng triệu người lính Đức tận tâm với cuộc chiến không phải do bị lôi kéo bởi hệ tư tưởng Đức quốc xã, mà do tình bằng hữu họ dành cho nhau. Ở đây sự thấu cảm dành cho những người quen biết đã che mờ lý trí của họ. Điều này càng đặc biệt nguy hiểm khi họ được lãnh đạo bởi những người như Adolf Hitler với chứng rối loạn nhân cách ái kỷ và thèm khát quyền lực tột độ. Vô số các cuộc tàn sát trong lịch sử đã chứng minh, một khi được truyền cảm hứng bởi tình bằng hữu và những kẻ thái nhân cách có thế lực, con người sẽ làm những việc kinh khủng nhất với nhau.
Mặt khác, thực tế cũng chứng minh, con người trở thành những gì chúng ta được dạy dỗ, đào tạo. Và sẽ thật nguy hiểm nếu xã hội vẫn tiếp tục dựa trên quan điểm bản chất con người là xấu xa, ích kỷ để giáo dục các thế hệ tiếp theo của mình.
Bregman ca ngợi các mặt tích cực của thời kỳ khai sáng (giúp tạo ra chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ và pháp trị, giúp thế giới trở nên giàu có, an toàn và lành mạnh hơn hẳn trước kia). Nhưng ông cũng chỉ ra những mặt tối của nó: chủ nghĩa tư bản có thể trở nên điên cuồng như kẻ khát máu; những người rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể nắm quyền lực, sau đó gây ra các thảm họa; và xã hội do luật lệ cùng giao thức chi phối không xem trọng cá nhân. Các triết gia, nhà lãnh đạo thời kỳ này cũng đầy mâu thuẫn. Một mặt họ nhấn mạnh những phẩm chất đáng ngưỡng mộ của con người như thấu cảm, vị tha; một mặt tiếp tục nuôi dưỡng quan điểm tiêu cực về bản chất con người và xây dựng các thiết chế dựa trên chủ nghĩa bi quan.
Hiện tượng này khiến Bregman lo lắng khi nghĩ đến hiệu ứng phản dược: có những điều sẽ trở thành sự thật bởi chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào chúng, và chủ nghĩa bi quan sẽ trở thành niềm tin tự ứng nghiệm. Khi các nhà kinh tế học hiện đại cho rằng con người vốn ích kỷ, họ ủng hộ các chính sách cổ vũ cho lối hành xử nhằm phục vụ bản thân. Khi các chính trị gia thuyết phục bản thân rằng chính trị là một trò chơi quyền lực, thực tế sẽ diễn ra. Ông đặt câu hỏi: Liệu mọi thứ có trở nên khác đi không nếu một thiết chế vận hành trên một quan điểm hoàn toàn khác về con người: sự tử tế, thiện lương?
Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả đưa ra nhiều câu chuyện thành công trong quản lý giáo dục dựa trên sự tin tưởng vào con người. Một trong số đó là câu chuyện nhờ đối xử dựa trên sự tử tế với tù nhân, nhà tù Halden, Na Uy, đã giúp tỷ lệ tái phạm thấp hơn 50% so với các cơ sở truyền thống, chi phí vận hành cũng thấp hơn đáng kể… Bregman tin rằng hoàn toàn có thể xây dựng một nền dân chủ mới dựa trên sự tin tưởng vào thiện tính tốt đẹp của con người; và nếu nhân loại muốn giải quyết những thách thức lớn của thời đại, chúng ta buộc phải làm như vậy.
Nhận xét về cuốn sách, nhà sử học, tác giả nổi tiếng Yuval Noah Harari, người vốn nghiêng về lý thuyết vỏ ngoài, viết: “Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng đã thách thức và khiến tôi phải nhìn lại thiện tính ở góc độ khác”.