Nhìn lại các kênh đầu tư trong bối cảnh gần kề suy thoái

Trong thời gian tới, có hai thị trường là bất động sản và chứng khoán sẽ được điều chỉnh dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, cùng sự can thiệp từ điều hành chính sách và ngân hàng để dẫn đến ổn định.

Ổn định trong biến động

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã thành công trong việc đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, khi thực hiện ký kết Hiệp định Thương mại tự do với 15 nước, để khi một thị trường có biến động thì quan hệ thương mại của chúng ta vẫn có thể đưa sang những thị trường khác.

0-ck-1668261253.jpeg
Một nền kinh tế phát triển tích cực như Việt Nam, thì sau khi điều chỉnh về mặt tâm lý, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục chứ không đi vào đà lao dốc như đang diễn ra (ảnh: Quốc Tuấn)

Do đó, dù biến động về kinh tế thế giới gây ra không ít ảnh hưởng, nhưng Việt Nam vẫn có thể chèo chống được. Điển hình là tăng trưởng GDP năm nay dự kiến đạt 8% và lạm phát chỉ ở khoảng 4%. Điều đó cũng chứng minh đây là thành công và kết quả của chính sách nhìn xa trông rộng, không phụ thuộc vào một nền kinh tế nào từ Chính phủ. Ví dụ, khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, chúng ta có thể chuyển hướng kinh tế sang khu vực Trung Đông hay các nền kinh tế khác, giúp kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng và đó là ưu điểm lớn trong điều hành chính sách rất được ghi nhận.

Những ngày gần đây, trên nghị trường Quốc hội thảo luận nhiều đến vấn đề tăng lương cho người lao động. Chính phủ, Quốc hội đã tìm cách điều chỉnh nguồn thu, chi ngân sách Nhà nước và dành một nguồn ngân sách thích đáng để hỗ trợ tăng lương, nhất là những người lao động có thu nhập thấp. Cuộc thảo luận cũng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm gắn kết của các Đại biểu Quốc hội đối với người dân.

Còn trên thị trường tài chính, thị trường chứng khoán đã xảy ra những biến động không nhỏ, ảnh hưởng đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên có thể nói, thị trường chứng khoán không phải phong vũ biểu, không phải thước đo chính xác cho sức khỏe nền kinh tế. Thị trường này hiện có tỷ trọng tương đối hạn chế.

Trong thời gian vừa qua, với hàng loạt các tin tức đưa ra do có những tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát gặp sự cố và cả những “đại gia” vướng vào vòng lao lý, hay có tin đồn ông chủ này, ông chủ kia bị bắt… từ những tin đồn đó, người dân cảm thấy phải thận trọng hơn khi tham gia đầu tư, nên mới dẫn tới các biến động mạnh.

Theo đánh giá của chúng tôi, một nền kinh tế phát triển tích cực như Việt Nam, thì sau khi điều chỉnh về mặt tâm lý, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục chứ không đi vào đà lao dốc như đang diễn ra.

Đối với vấn đề tăng lãi suất ngân hàng gần đây cũng là điều cần thiết để bảo đảm khả năng chi trả của các ngân hàng thương mại, nếu không tăng lãi suất sẽ không đảm bảo nguồn thu, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh khoản hệ thống. Đây được xem là biện pháp có tính chất tạm thời để bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng, còn về lâu dài, việc nâng lãi suất một cách quá cao khiến người đi vay phải trả phí cao, khi đó các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lại để thích nghi với tình hình thực của nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo mục tiêu lạm phát.

Đồng thời, với nguồn tiền của người dân vẫn còn có khả năng huy động được, đến khi ngân hàng huy động đủ tiền, bảo đảm thanh khoản vào cuối năm, các ngân hàng thương mại khả năng sẽ có sự điều chỉnh.

Với các kênh đầu tư khác như bất động sản, đang là một kênh tương đối bất ổn định khi nguồn cung hạn chế, người dân khó có khả năng tiếp cận các căn hộ giá cả phù hợp với mức thu nhập. Những năm trước đây, nguồn cung bất động sản rất dồi dào, nhưng đến nay các nhà đầu tư đã có sự điều chỉnh. Hy vọng tới đây thị trường này có thể sẽ chuyển sang một trạng thái “bình thường mới”, “cân bằng mới” phù hợp với nhu cầu thực tế hơn, tránh tình trạng nhiều dự án bất động sản “đắp chiếu”, không có khách hàng, gây gánh nặng cho các nhà đầu tư.

Như vậy, có hai thị trường là bất động sản và chứng khoán sẽ được điều chỉnh dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, cùng với sự can thiệp từ điều hành chính sách và ngân hàng để dẫn đến ổn định.

Đối phó với suy thoái

Một vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc đến là các dự báo về suy thoái kinh tế đang đến gần và chắc chắn điều đó sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam.

ts-le-ng-doanh-1668261256.jpeg
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Hiện nay, tỷ trọng xuất nhập khẩu của chúng ta lên tới 236% GDP vào năm hai 2021, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nhập khẩu để có hàng hóa phục vụ sản xuất cho xuất khẩu. Khi lạm phát tăng cao, doanh nghiệp phải nhập khẩu lạm phát từ nguồn dầu thô, từ các nguyên vật liệu đầu vào, đẫn đến giá trị gia tăng lợi nhuận tạo ra trên một đơn vị sản phẩm bị thu hẹp lại. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng năng suất lao động, vận dụng khoa học công nghệ, do đó, cần có sự chia sẻ của người lao động với doanh nghiệp mới có thể đảm bảo duy trì sản xuất.

Về giải pháp, trong thời gian tới đây có một số điểm cần lưu ý như: Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết là bảo đảm nền nông nghiệp phát triển có hiệu quả, bảo đảm vấn đề về an ninh lương thực.

Thứ hai, là tiếp tục tạo công ăn việc làm. Để làm được việc đó cần phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế hộ gia đình, khuyến khích các hộ gia đình có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện để phát triển. Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp vận dụng, chuyển đổi sang kinh tế số.

Ví dụ hiện nay đang có những dự án xây dựng ngôi nhà thông minh do công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông phối hợp với trường Đại học Bách Khoa xây dựng. Các dự án này giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, công việc và là hướng đi quan trọng trong tương lai.

Thứ ba, là tiếp tục đa phương hóa kinh tế đối ngoại nhằm giảm thiểu rủi ro, nếu thị trường này gặp biến động thì ngay lập tức chúng ta có thể chuyển đổi sang thị trường khác. Điều đó đòi hỏi một chính sách hết sức năng động, linh hoạt của Chính phủ. Về mặt này, tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đối thoại, nắm vững tình hình thực tế để có sự điều chỉnh thích hợp với những diễn biến của kinh tế thế giới.