1. Đặt vấn đề
Trong hoạt động quản lý thuế, sự hỗ trợ của các sàn thương mại điện tử và các nền tảng số là rất quan trọng, từ việc cung cấp dữ liệu, thu và nộp thuế, đến hỗ trợ giám sát và bảo đảm tính tuân thủ. Việc hợp tác giữa sàn thương mại điện tử và cơ quan thuế có thể tạo ra một hệ thống thuế hiệu quả hơn, giảm thiểu gian lận và nâng cao sự công bằng trong quản lý thuế.
Giải pháp được cho là có sự đồng thuận cao là giao thêm nghĩa vụ khai và nộp thuế thay người bán hàng thu và nộp thay (collect and remit) cho các sàn thương mại điện tử đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới nhằm giải quyết tình trạng lách thuế, trốn thuế hoặc phát sinh tình trạng giao dịch không thuộc thẩm quyền thu thuế của cơ quan nào. Dù vậy, việc áp dụng nó như thế nào, cần thiết phải xem xét đến các điều kiện thực thi của nó.
2. Nguyên tắc thu tại điểm đến và những thách thức từ thương mại điện tử
Đánh thuế gián thu đối với thương mại xuyên biên giới, ngày nay các nước cơ bản đã thống nhất ở nguyên tắc thu tại điểm đến (destination principle). Theo đó, thuế VAT hay thuế hàng hóa, dịch vụ (GST) chỉ được giữ lại tại điểm nó được bán ra. Các hàng hóa, dịch vụ khi nhập khẩu phải chịu thuế VAT/GST và được hoàn thuế này khi xuất khẩu. Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị rằng các quốc gia cần đảm bảo rằng VAT/GST được thu ở nơi tiêu dùng cuối cùng của hàng hóa hoặc dịch vụ diễn ra, đặc biệt là đối với thương mại điện tử. Điều này có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ được bán qua các sàn thương mại điện tử cho người tiêu dùng cá nhân nên bị đánh thuế tại quốc gia mà người tiêu dùng cư trú[1].
Mua sắm từ xa, đặc biệt là mua sắm xuyên biên giới, đặt hàng qua thư, từ lâu đã thách thức việc quản lý thuế. Đó không chỉ là những khó khăn về việc xác định chính xác số lượng, giá trị các đơn hàng, hoặc đó là những giao dịch có thật hay chỉ là giả cách, mà còn là việc xác định thẩm quyền đánh thuế thuộc cơ quan nào, quốc gia nào. Sự phát triển nhanh chóng của các giao dịch trực tuyến và sự mở rộng của các sản phẩm kỹ thuật số - chẳng hạn như phát video trực tuyến, lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây – lại tạo thêm những áp lực mới đối với hoạt động quản lý thuế ở tất cả các quốc gia. Thậm chí, địa điểm tiêu thụ và bán các sản phẩm kỹ thuật số rất khó xác định bởi nó nằm trên không gian mạng, cơ quan thuế đã từng không thể áp thuế cả ở nơi sản xuất lẫn nơi tiêu thụ.
Thực tiễn thương mại điện tử các nước đã chỉ ra những thách thức cơ bản sau:
- Xác định chủ quyền đánh thuế theo nơi có trụ sở
- Chuyển nghĩa vụ nộp thuế cho người mua và nghĩa vụ tuân thủ của họ
- Sự gia tăng quá lớn của các đơn hàng giá trị thấp
- Chi phí tuân thủ và tính trung lập của sàn thương mại điện tử trong hợp tác với cơ quan thuế
3. Xác định nơi có trụ sở và đăng ký thuế
Việc yêu cầu một doanh nghiệp nước ngoài không có sự hiện diện vật lý tại một quốc gia phải đăng ký thuế và nộp thuế, dù không cần đăng ký thành lập doanh nghiệp) gặp rất nhiều khó khăn để triển khai mà thách thức lớn nhất chính là các quy định dường như bất di bất dịch đối với thương mại truyền thống. Tại Mỹ từng tồn tại quy định cấm bởi các án lệ liên quan đến áp dụng Điều khoản Thương mại (Commerce Clause) của Hiến pháp nước này[2] như án lệ National Bellas Hess, Inc. kiện Sở Thuế vụ Illinois năm 1967 và án lệ Quill Corp. kiện Bắc Dakota năm 1992[3]. Theo đó việc các tiểu bang áp dụng các loại thuế khi người nộp thuế giả định không có sự hiện diện vật lý ở bang sở tại là hành động vi hiến và bị cấm. Tuy nhiên, năm 2018, Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra một phán quyết mang tính cách mạng bác bỏ điều cấm kia, trong vụ bang South Dakota kiện Wayfair, Inc. để áp thuế bán hàng vào South Dakota theo nguyên tắc thu tại điểm đến. Án lệ này đã mở đường cho các tiểu bang áp dụng thuế bán hàng đối với người bán ở bang khác[4]. Tòa án trong vụ Wayfair đã công nhận rằng các mối quan hệ kinh tế và liên hệ ảo có thể tạo thành một mối liên kết đáng kể với một bang và nó không khác gì với việc nhà bán hàng có trụ sở tại đó. Nhận định này đã giúp án lệ South Dakota kiện Wayfair, Inc. bảo vệ được cơ sở thuế cho tất cả các bang của Mỹ[5]. Nói cách khác, án lệ này cho phép diễn giải một thương nhân dù không có hiện diện vật lý (physical nexus tức là có trụ sở, văn phòng đại diện, nhà kho hoặc có hàng hóa gửi sẵn tại kho tập trung của sàn thương mại điện tử) ở bang sở tại nhưng có quan hệ kinh tế (economic nexus) đáng kể như doanh số bán hàng vào bang ở năm dương lịch liền trước đạt một ngưỡng nhất định, 100 ngàn USD hoặc hơn 200 đơn hàng chẳng hạn, thì coi như người bán đó là doanh nghiệp địa phương – có nghĩa là anh ta phải đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế không khác gì các doanh nghiệp địa phương thông thường[6].
Vụ Wayfair cũng tạo một tiền lệ tốt cho các nước khác khi vận dụng các hướng dẫn của OECD trong triển khai đăng ký và thu thuế đối với các nền tảng số, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với cách lập luận về sự tương đương giữa hiện diện vật lý hay quan hệ vật lý (physical nexus) với quan hệ kinh tế (economic nexus). Nếu sàn thương mại điện tử, nền tảng số ở nước ngoài có cung cấp hàng hóa dịch vụ vào quốc gia sở tại ở một ngưỡng doanh thu hoặc số lượng đơn hàng nhất định, hoặc không cần giới hạn nào, cơ quan thuế quốc gia đó có quyền yêu cầu sàn thương mại đăng ký thuế theo luật quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ tuân thủ luật thuế giá tri gia tăng. Ngoài ra, dự án BEPS 2.0 của OECD còn khuyến nghị các quốc gia có thể thu cả thuế thu nhập của sàn thương mại điện tử, nền tảng số đa quốc gia đó theo ngưỡng thuế tối thiểu toàn cầu.
Tại Việt Nam, từ năm 2022 đăng ký thuế và nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Quy định này được nêu rõ trong Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Quy định này đa số được các doanh nghiệp lớn đến từ các quốc gia thuộc OECD tuân thủ nghiêm túc mặc dù, các quy định hiện hành của Việt Nam không đề cập cụ thể về quan hệ kinh tế (economic nexus).Tuy nhiên, cụm từ "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" tại 4 Điều 42 của Luật Quản lý thuế cũng đã gây ra những tranh cãi dẫn đến việc trì hoãn đăng ký thuế của một số nền tàng nước ngoài. Dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế đề xuất bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các khuyến nghị của OECD.
4. Chi phí tuân thủ của người trực tiếp nộp thuế
Người mua là người chịu thuế gián thu, ở đây là VAT/GST, nhưng điều quan trọng là ai sẽ đứng ra thu những khoản tiền thuế hết sức lặt vặt đó? Thông thường thì người bán hàng sẽ tính thuế VAT/GST vào giá thành và trích phần thuế gián thu đã thu đó nộp cho cơ quan thuế. Nhưng điều này là không thể, nếu hàng được chuyển qua biên giới. Hàng loạt các thử nghiệm chính sách đã được triển khai, như thu thuế thông qua đơn vị vận chuyển, các đơn vị trung gian khác, sàn thương mại điện tử và cả cơ chế tự khai hay cơ chế đánh thuế ngược (reverse-charge mechanism). Đặc biệt, cơ chế tự khai đã từng được coi là cách thức phổ biến nhất để không thất thu thuế. Theo đó, thay vì người bán xuất hóa đơn VAT/GST và nộp thuế cho cơ quan thuế nước mình thì người mua hàng sẽ tự kê khai và nộp thuế VAT/GST ở nước của họ. Điều này cũng có nghĩa là người mua hàng sẽ phải tự tính toán và khai báo số thuế VAT/GST tương ứng, rồi nộp trực tiếp cho cơ quan thuế nước mình. Cơ chế này từng được OECD khuyến nghị trong các hướng dẫn của OECD về VAT/GST năm 2017 cho giao dịch quốc tế, nhằm giúp đơn giản hóa quá trình thu thuế và giảm gánh nặng tuân thủ cho các nhà cung cấp ở nước ngoài, đồng thời đảm bảo thu được đầy đủ VAT/GST cho các quốc gia là điểm đến của hàng hóa, dịch vụ[7].
Tuy vậy, báo cáo từ các nước và quan sát, thảo luận của OECD sau đó đã thấy rằng cơ chế tự khai có thể hoạt động tốt với các trường hợp B2B – tức là mua bán giữa các doanh nghiệp với nhau khi họ có đội ngũ chuyên môn cùng hệ thống hóa đơn đầy đủ. Dù giải quyết tốt vấn đề gian lận thuế của doanh nghiệp nhập khẩu nhưng lại hoàn toàn không hiệu quả với các trường hợp B2C (người tiêu dùng cá nhân nhập khẩu)[8] bởi điều này quá mất thời gian đối với người tiêu dùng, họ cũng không đủ kiến thức về luật thuế để trình bày với cơ quan thuế, hải quan về mã hàng, giá trị hàng hóa mà họ nhận nên có thể người mua chấp nhận từ bỏ bưu phẩm của mình hoặc nếu đã nhận được thì trốn tránh việc tự khai và nộp thuế. Bất cập của cơ chế tự khai dẫn đến việc OECD thay đổi khuyến nghị của mình bằng các hướng dẫn phiên bản 2019 với việc đặt trọng tâm vào các thiết chế trung gian như sàn thương mại điện tử, cửa hàng trực tuyến với gợi ý rằng họ, các sàn thương mại điện tử, thực hiện khấu trừ tiền thuế từ doanh thu bán hàng của người bán và chuyển cho nhà nước sở tại, sẽ thuận lợi hơn.
5. Sự bùng nổ của các giao dịch hàng giá trị thấp
Công ước Quốc tế về đơn giản hoá và hài hòa Thủ tục Hải quan làm tại Kyoto ngày 18 tháng 05 năm 1973 và có hiệu lực từ 25 tháng 9 năm 1974 cùng các phiên bản cập nhật được ra đời nhằm thuận lợi hóa hoạt động thương mại xuyên biên giới và giảm chi phí hành chính của các cơ quan hải quan. Đặc biệt trong Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto năm 2008 (Thường được gọi là Công ước Kyoto sửa đổi – The Rivised Kyoto Convention) có quy định “Pháp luật quốc gia phải quy định một giá trị tối thiểu và/hoặc một mức thuế và phí tối thiểu mà dưới đó không thu thuế và phí hải quan"[9]. Tiêu chuẩn này thường được gọi với tên nguyên tắc de minimis.
Khối lượng bùng nổ của việc bán hàng trực tuyến xuyên biên giới đã tạo ra những thách thức ngày càng quan trọng đối với chế độ VAT/GST và cơ quan hải quan. Nhiều nước áp dụng de minimis vì chi phí hành chính liên quan đến việc thu thuế VAT/GST đối với những hàng hóa có thể lớn hơn số thuế thu được. Vào thời điểm mà hầu hết các quy định miễn trừ này được ban hành thì việc mua sắm qua internet không đáng kể và số đơn hàng nhập khẩu được hưởng lợi từ việc hỗ trợ này là tương đối nhỏ[10]. Việc miễn trừ thuế nhập khẩu hàng hóa giá trị thấp này ngày càng trở nên gây tranh cãi trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển và tổng khối lượng của chúng được nhập khẩu vào các quốc gia là rất lớn.
Điều này không chỉ dẫn đến thất thu VAT/GST mà còn tạo áp lực cạnh tranh không công bằng đối với các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước khi mà họ được yêu cầu tính thuế VAT/GST trên doanh số bán hàng của họ cho người tiêu dùng trong nước. Hệ quả tiếp theo của nó còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người dân nước sở tại và tiếp đến là các khoản thuế trực thu gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn. Trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng giá rẻ, không chịu thuế được nhập khẩu qua con đường thương mại điện tử, các quy định de minimis được cân nhắc lại một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên, nếu bãi bỏ các quy định miễn thuế với de minimis và giao lại cho cơ quan hải quan lại là một bất cập lớn hơn vì chi phí hành chính còn lớn gấp nhiều lần ở thời điểm mà các quy định miễn thuế nhập khẩu, VAT/GST được ban hành. Bên cạnh đó, các cơ quan hải quan còn phải thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại, kiểm soát ma túy và tiền chất ma túy, kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ và quan trọng là sự an toàn của công dân đối với việc nhập khẩu hàng hóa nguy hiểm. Ngay cả khi các lô hàng thuộc diện de minimis dù có thể là nhỏ, không phải nộp thuế nhưng hải quan vẫn phải kiểm tra hải quan ở các nội dung kiểm dịch, quyền sở hữu trí tuệ, an toàn cháy nổ, ma túy… Bởi vậy, nếu bãi bỏ, hoặc sửa đổi de minimis cũng cần thiết phải tính đến những giải pháp khác mà không phải giao lại việc thu thuế các đơn hàng này cho cơ quan hải quan.
Năm 2018, Tổ chức Hải quan Thế giới ("WCO") đã ban hành Khung tiêu chuẩn thương mại điện tử xuyên biên giới với 15 tiêu chuẩn cùng với các công cụ và hướng dẫn hỗ trợ việc triển khai khung này để hướng tới các mục tiêu:
- Trao đổi dữ liệu điện tử trước: Khuyến khích việc trao đổi dữ liệu điện tử trước giữa các bên liên quan để quản lý rủi ro hiệu quả hơn.
- Đơn giản hóa thủ tục: Đề xuất các quy trình thông quan đơn giản và nhanh chóng cho các lô hàng thương mại điện tử.
- Thu thuế công bằng và hiệu quả: Đảm bảo việc thu thuế và phí một cách công bằng, hiệu quả, đồng thời ngăn chặn gian lận.
- An toàn và bảo mật: Tăng cường các biện pháp để bảo vệ xã hội khỏi các mối đe dọa liên quan đến thương mại điện tử.
- Hợp tác đối tác: Thúc đẩy sự hợp tác giữa hải quan, các cơ quan chính phủ khác và khu vực tư nhân[11].
Một trong những mục tiêu cốt lõi là đảm bảo thu thuế công bằng và hiệu quả. một giải pháp chỉ đơn giản là bãi việc bỏ miễn thuế hàng giá trị thấp không phải là câu trả lời cho mục tiêu công bằng và hiệu quả[12]. Một giải pháp như vậy mà không có các biện pháp hỗ trợ có thể sẽ phản tác dụng, với việc các cơ quan hải quan phải kiểm soát nhiều lô hàng hơn với hiệu ứng dây chuyền cho các chức năng khác, đồng thời việc ùn tắc hàng hóa chờ thông quan tại các khu vực cửa khẩu chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng.
Từ 2013, OECD đã khởi xướng kế hoạch hành động BEPS 1 (Base Erosion and Profit Shifting Action Plan) là kế hoạch hành động đầu tiên trong chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. BEPS1 cũng đã đề cập cần có các giải pháp thông minh hơn nhằm tìm cách thu thuế VAT/GST hiệu quả hơn - đáng chú ý nhất là thông qua sự tham gia của các nền tảng kỹ thuật số và sử dụng cơ chế đăng ký và tuân thủ đơn giản hóa.
Một số nước đã quy định các nền tảng thương mại điện tử chịu trách nhiệm thu thuế VAT/GST đối với hàng hóa, bao gồm cả các đơn hàng có giá trị thấp. Điều này làm cho ngưỡng de minimis chỉ còn ảnh hưởng đến thuế nhập khẩu, trong khi thuế VAT/GST vẫn được áp dụng cho mọi giao dịch, bất kể giá trị. Điều này có hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng quy định de minimis để tránh thuế VAT/GST và hành động phổ biến nhất là chia nhỏ đơn hàng để né thuế sẽ không có tác dụng. Động lực chính cho một số khu vực pháp lý trong việc áp dụng các mô hình đăng ký và tuân thủ đơn giản hóa và trách nhiệm pháp lý nền tảng kỹ thuật số là giải phóng các nguồn lực hải quan và cho phép các cơ quan này tập trung vào các chức năng quan trọng khác. Đồng thời việc thực hiện các hành động này là nhu cầu bảo vệ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các nhà bán lẻ khỏi cạnh tranh không lành mạnh ngoài việc bảo vệ doanh thu thuế.
Từ năm 2018, Úc đã bãi bỏ ngưỡng de minimis đối với thuế GST trên hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp. Các sàn thương mại điện tử nước ngoài phải thu và nộp GST cho tất cả hàng hóa nhập vào Úc, bất kể giá trị. New Zealand cũng áp dụng quy định tương tự, yêu cầu thu thuế GST cho mọi hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa dưới ngưỡng de minimis. Tại Liên minh châu Âu (EU), ngưỡng VAT de minimis bị loại bỏ vào năm 2021. Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU, bao gồm cả hàng hóa có giá trị thấp, đều phải chịu thuế VAT thông qua cơ chế Import One Stop Shop (IOSS), với sàn thương mại điện tử chịu trách nhiệm thu và nộp VAT.
Mặc dù việc yêu cầu sàn thương mại điện tử khai và nộp VAT/GST có thể hạn chế phần lớn tình trạng lạm dụng de minimis để né thuế tiêu dùng, nhưng vẫn có những thách thức: Thứ nhất, quy định này không giải quyết hoàn toàn vấn đề trốn thuế nhập khẩu; Thứ hai, yêu cầu này có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ đối với các nền tảng thương mại điện tử nhỏ, đặc biệt là các nền tảng có quy mô toàn cầu nhưng không có sự hiện diện mạnh tại quốc gia nơi hàng hóa được tiêu thụ.
Tại Việt Nam, Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thiết lập ngưỡng một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu) nhằm tuân thủ Công ước Kyoto bản sửa đổi. Đây là ngưỡng được xem là thuận lợi nhằm đơn giản hóa và thuận lợi hóa cho hoạt động thông quan hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, gần đây, sự bùng nổ của hàng hóa siêu rẻ từ các nền tảng như Temu, Shein đã gợi ý về sự thay đổi việc áp dụng nguyên tắc de minimis tại Việt Nam. Theo đó, về định hướng: bỏ nội dung miễn thuế VAT đã được bàn thảo và quyết định trong thời gian tới. Về ngưỡng de minimis, có thể để nguyên 1 triệu đồng hoặc để ngỏ, sẽ cập nhật bằng các mệnh lệnh hành pháp như quyết định của thủ tướng, quyết định của bộ trưởng tài chính theo từng thời kỳ.
Cũng cần lưu ý là, Công ước Kyoto và các bản sửa đổi, như trên đã trình bày, bên cạnh mục tiêu đơn giản hóa, thuận lợi hóa thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, nó cũng còn có một mục tiêu quan trọng là bảo đảm doanh thu thuế cho các quốc gia mà Khung tiêu chuẩn thương mại điện tử xuyên biên giới của WCO năm 2018 đã khẳng định. Do đó, bỏ thuế VAT ra khi áp dụng nguyên tắc de minimis vẫn phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Công ước Kyoto và các tiêu chuẩn của Tổ chức Hải quan thế giới.
6. Thách thức từ chi phí tuân thủ của các sàn thương mại điện tử và vai trò trung lập của chúng
Không có nhiều tranh cãi về lợi thế của các sàn thương mại điện tử trong việc tuân thủ luật thuế, kể cả tại các nước là thành viên hay chỉ là đối tác của OECD bởi họ nắm giữ được nhiều và đầy đủ nhất các thông tin giao dịch xuyên biên giới. Khuyến nghị của OECD, từ các hướng dẫn 2015, 2017, 2019 đến các báo cáo BEPS, BEPS 2.0 đều chỉ ra vai trò quan trọng của thực thể trung gian này. OECD khuyến nghị, các nền tảng số nước ngoài, nếu phát sinh doanh thu tại một quốc gia của người tiêu dùng (nhận hàng, download phần mềm, đăng ký dịch vụ như xem, đọc, nghe trực tuyến) đến một ngưỡng nhất định cũng có thể phải đăng ký thuế với nước sở tại, dù họ không có sự hiện diện vật lý tại nước đó[13] để hình thành cơ chế thu thuế VAT/GST qua sàn thương mại điện tử đối với các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Tuy vậy, ràng buộc họ vào những nghĩa vụ mà lẽ ra đó phải là công việc của chính quyền luôn không đơn giản bởi các yếu tố chi phí công nghệ, thiết bị, thời gian và nhân sự cho hoạt động hỗ trợ, đồng thời các rủi ro pháp lý do chậm chạp, sai sót luôn thường trực. Bởi vậy, những khuyến nghị này luôn có những lưu ý cần thiết để các quốc gia phải tính toán nhằm không tăng chi phí tuân thủ cho họ.[14] Giao cho các sàn thương mại xuyên biên giới tổ chức thu và nộp thuế VAT/GST đối với hàng nhập khẩu, kể cả các nền tảng kỹ thuật số cung cấp các hàng hóa và dịch vụ số, về bản chất, là sự chuyển giao gánh nặng chi phí tuân thủ từ người nộp thuế (tức người mua, người tiêu dùng) và từ người thu thuế (cơ quan thuế, đặc biệt là hải quan) sang cho sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, quy định các nền tảng thương mại điện tử và tương tự đã triển khai khá rộng rãi, không chỉ ở các nước thành viên OECD mà còn lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, câu hỏi đặt ra là làm thế nào các nền tảng này thực sự có thể đạt được sự tuân thủ thuế ở quy mô lớn. Trong luật thuế mới, các chính phủ đang buộc các thị trường phải chịu trách nhiệm tập trung trong việc báo cáo, thu và nộp doanh thu thuế. Mục đích không chỉ là thu hồi hàng tỷ đô la doanh thu thuế tiềm năng mà còn hợp lý hóa việc giám sát và thực thi chính sách thuế[15].
Một khi nghĩa vụ thuế cuối cùng đã được vạch ra, vẫn còn rất nhiều công việc hậu cần phải chuẩn bị để thực hiện. Đầu tiên là chuẩn bị nhân sự hiểu biết về thuế, pháp lý, và với nền tảng xuyên biên giới, sự hiểu biết ấy không chỉ có pháp luật của quốc gia mà nền tảng ấy đăng ký mà là toàn cầu, bất kể nơi nào mà nền tảng ấy bán hàng tới. Tiếp đến là công nghệ nào tích hợp lên nền tảng để tuân thủ, trước hết là 03 loại thuế gián thu phổ biến gồm VAT (ví dụ EU, Anh, Việt Nam), GST (Úc, New Zealand, Canada, Nhật bản) và Sales Tax (Mỹ). Sàn thương mại tự phát triển công cụ phần mềm đó hoặc thuê của bên thứ ba cũng đều rất tốn kém và cũng khó bảo đảm rằng nó tương thích với hệ thống của cơ quan thuế sở tại.
Những công ty khổng lồ như Amazon có nguồn lực để xây dựng công cụ thuế của riêng họ và thuê một đội ngũ phức tạp để duy trì nó và đó chính xác là những gì công ty đang làm. Amazon đã mô tả nhóm Dịch vụ tính thuế toàn cầu của mình là "một chương trình bao gồm các nhà phân tích, chuyên gia thuế và kỹ sư phần mềm chịu trách nhiệm cung cấp các giải pháp tính thuế gián thu toàn cầu từ đầu đến cuối"[16]. Điều không may mắn cho các công ty thương mại điện tử nhỏ, mới gia nhập thị trường dù có khả năng phục vụ bán hàng toàn cầu nhưng hiếm khi có được khả năng duy trì một đội ngũ chuyên gia như Amazon.
Điều này còn trở nên khó khăn hơn, khi các sàn thương mại điện tử còn phục vụ cả việc thu và nộp thuế hộ đối với các nhà bán hàng nội địa – nơi mà họ tự mình có thể thực hiện việc khai thuế và nộp thuế và với số lượng rất lớn. Thêm vào đó, những nghĩa vụ thu thêm thuế thu nhập, hoặc thuế, phí môi trường hoặc những nghĩa vụ bên ngoài thuế VAT/GST hoặc thuế bán hàng kiểu Mỹ. Chẳng hạn một số bang của Mỹ yêu cầu sàn thương mại điện tử phải thu cả phí sử dụng lốp xe, phí tái chế đồ điện tử dù họ chỉ là chủ thể trung gian kết nối giữa người mua và người bán[17]. Trao thêm các nghĩa vụ ngoài thuế gián thu sẽ làm hoạt động tuân thủ trở nên phức tạp hơn, từ việc thiết kế, phát triển phần mềm hoặc công cụ khác, đến nhân viên phụ trách và chi phí thuê ngoài đồng thời tăng rủi ro sai sót cho công việc mà họ không có thù lao từ nhà nước. Bởi vậy, việc trao giao trách nhiệm thu và nộp thuế qua sàn thương mại điện tử, theo các chuyên gia, chỉ nên tập trung vào thuế gián thu như VAT/GST hay thuế bán hàng[18], chứ không thu và nộp thuế khác, phí khác.
Tại Việt Nam, những cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc khai thuế và thu thuế VAT trong thương mại điện tử ở Việt Nam là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Đối với các sàn thương mại điện tử không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Đối với các sàn thương mại điện tử, nền tảng số trung gian hoạt động trong nước, Nghị định 126/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế về người bán hàng. Điều này nhằm hỗ trợ việc giám sát thuế, và từ năm 2022, Việt Nam đã tăng cường việc yêu cầu các nền tảng kê khai và thu thuế thu nhập cho người bán hàng trên các sàn này. Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định “Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự”.
Như vậy, sự hợp tác giữa các sàn thương mại điện tử với cơ quan thuế chủ yếu là việc cung cấp thông tin. Còn việc khai thay, nộp thay là việc dân sự giữa sàn và người bán hàng trên cơ sở thỏa thuận.
Điểm khá mới là việc thử nghiệm thu cả thuế thu nhập thông qua sàn. Trong thời gian qua, các nền tảng cung cấp dịch vụ gọi xe đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, không ít trường hợp được báo cáo là không thể thu được tiền thuế từ tài xế, nhất là tài xế xe mô tô. Các nền tàng này đối mặt với việc vi phạm nghĩa vụ thuế mà họ không gây ra.
Cần làm rõ rằng thu thuế thu nhập của người bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử là một vấn đề phức tạp và ít khi được quy định là do các sàn phải trực tiếp thu, do các lý do pháp lý, kỹ thuật. Thuế thu nhập không giống như thuế giá trị gia tăng hay các loại thuế gián thu khác, vì thuế thu nhập thường được tính dựa trên lợi nhuận (thu nhập sau khi trừ đi các chi phí hợp lệ). Điều này dẫn đến nhiều thách thức trong việc xác định chính xác số tiền thuế mà người bán phải trả như chi phí khấu trừ, thu nhập từ việc kinh doanh từ sàn khác hoặc cửa hàng trực tiếp; sự khác biệt trong quy định giữa các nước về thuế suất, phạm vi chi phí hợp lệ. Việc xác định thu nhập chịu thuế đòi hỏi người bán phải tự kê khai các chi phí này, điều mà các sàn thương mại điện tử không thể làm thay.
Nếu các sàn thương mại điện tử được yêu cầu kê khai và nộp thuế thu nhập thay cho người bán, họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý lớn hơn trong trường hợp có sai sót trong quá trình thu thuế. Điều này có thể tạo ra rủi ro tài chính và pháp lý cho các sàn. Ngoài ra, việc các sàn thương mại điện tử thu thuế thu nhập thay cho người bán có thể gây ra sự thiếu minh bạch trong hệ thống thuế, làm cho việc kiểm tra và giám sát thuế từ phía cơ quan thuế trở nên khó khăn hơn. Các cơ quan thuế có thể gặp khó khăn trong việc đối chiếu thông tin về thu nhập và chi phí của người bán.
Các sàn thương mại điện tử đóng vai trò là nền tảng trung gian, không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính về thu nhập hay hoạt động tài chính của người bán. Việc yêu cầu sàn thu thuế thu nhập sẽ thay đổi bản chất của mô hình kinh doanh và có thể làm ảnh hưởng đến vai trò trung lập của họ là kết nối giữa người bán và người mua.
Điểm khó khăn trong việc khai và nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử nội địa Việt Nam là có rất nhiều người bán hàng đăng ký nộp thuế theo hình thức khoán. Theo đó, mức thuế áp cho họ vừa có tính chất trực thu, vừa có tính chất gián thu và có thuế suất thấp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cùng một sàn thương mại điện tử, cùng một loại hàng hóa lại được áp mức thuế rất khác nhau. Nó không chỉ gây khó cho việc thống kê, mà còn tạo ra sự không công bằng thuế và tạo khoảng trống có thể bị khai thác, trục lợi thuế như không thành lập doanh nghiệp mà chia nhỏ thành các gian hàng kinh doanh theo hình thức hộ hoặc cá nhân kinh doanh.
7. Một vài ý kiến đối với việc sửa đổi luật quản lý thuế
Hiện nay, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng đang được sửa đổi và chuẩn bị thông qua. Trong phạm vi đề tài này và với những các hồ sơ dự án luật được công bố công khai, chúng tôi mạnh dạn đưa quan điểm của mình đối với các quy định của dự thảo liên quan đến nghĩa vụ thuế của các sàn thương mại điện tử như sau
7.1 Về chủ thể và nơi cư trú
Dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế đề xuất bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các khuyến nghị của OECD. Quán triệt về quan điểm rằng, dù doanh nghiệp đó nằm ở đâu trên thế giới, nhưng nếu có quan hệ kinh tế với Việt Nam bằng cách bán hàng, dịch vụ vào Việt Nam thì hàng hóa của họ phải chịu thuế theo nguyên tắc thu tại điểm đến. Họ phải đăng ký thuế đối với chính họ, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thu và nộp (collect and remit) cho những người bán hàng hóa, dịch vụ vào Việt Nam theo thuế suất tương ứng của Việt Nam.
7.2 Về đối tượng được khai và nộp thay
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế quy định
“Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức khác có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về các đối tượng, hồ sơ, thủ tục khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay; hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số/.”
Điểm khác biệt có lẽ là rõ nhất giữa cách thức chuyển giao nghĩa vụ từ người bán và công chức thuế cho các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam so với các nước trên thế giới là việc “khấu trừ, khai thuế và nộp thuế thay” chứ không phải là “thu thuế và nộp thuế thay” (collect and remit). Nếu chỉ là thu và nộp như các nước trên thế giới, sai sót chắc chắn sẽ ít hơn bởi sàn chỉ áp thuế suất và khấu trừ, sau đó nộp cho cơ quan thuế kèm sao kê. Tuy nhiên, khấu trừ (tax collect), khai thuế (tax filling) và nộp thuế (tax remit) lại cần một thủ tục là điền các biểu mẫu, liệt kê các khoản thuế và điều này chỉ có người nộp thuế hoặc đại lý thuế mới có thể thực hiện. Nếu giao cho các sàn cả việc khải thuế thi rủi ro sai sót sẽ rất cao. Theo chúng tôi, trong các cải cách về thuế, cần đặc biệt lưu ý điểm này vì trách nhiêm của các sàn thương mại điện tử Việt Nam đang nặng nề hơn các nước OECD rất nhiều, dù các sàn của Việt Nam còn có những khó khăn về vốn, công nghệ và thị trường.
Hiện nay, việc khai và nộp thuế cho người bán hàng trong nội địa Việt Nam hiện vẫn đang do người bán hàng, cung cấp dịch vụ tự mình thực hiện nghĩa vụ. Như đã trình bày trong mục 6, việc chuyển giao nghĩa vụ của họ sang sàn thương mại điện tử cũng đồng thời chuyển nghĩa vụ thu thuế của cơ quan thuế làm phát sinh rất nhiều chi phí tuân thủ cho sàn thương mại điện tử Việt Nam. Nó chắc chắn làm doanh nghiệp nội khó cạnh tranh hơn. Các chi phí, có thể nhận thấy sẽ được chuyển vào giá thành dịch vụ của sàn, dễ thấy là hàng hóa giao dịch trên sàn sẽ bị đội chi phí và điều này gây khó khăn cho các nhà bán hàng nhỏ và vừa. Họ phải tăng giá và khó bán hàng hơn. Kết quả này không ủng hộ mục tiêu chính sách đặt ra là “tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Vì vậy, việc chuyển giao này cần có những đánh giá kỹ lưỡng và nội dung chuyển giao cũng cần có những bước đi phù hợp cộng với sự hỗ trợ của nhà nước, như đầu tư phần mềm đính kèm vào nền tảng thương mại điện tử chẳng hạn.
Quy định mới về việc khai thuế và thu thuế thay cho cá nhân, hộ gia đình, không có sự phân biệt rõ ràng về loại thuế nào sẽ gây khó khăn cho người khai thuế vì ngoài doanh thu tại sàn, người bán có thể có những nguồn doanh thu khác từ các cửa hàng thực tế hoặc ở sàn, nền tảng khác. Không có cơ sở tính các mức giảm trừ gia cảnh cũng như tổng thu nhập của người bàn hàng. Nếu cứ khai và nộp thì sẽ thiếu và đương nhiên vi phạm pháp luật. Không có quy định nào của Dự thảo bảo vệ sàn trong trường hợp này là một thiếu sót lớn.
Ngoài tốn kém về chi phí tuân thủ, chúng tôi cho rằng, chưa đưa nghĩa vụ khai thuế cho cá nhân kinh doanh, hộ gia đình thành nghĩa vụ của sàn thương mại điện tử ngay khi chưa tách bạch phần thuế thu nhập khỏi mức thuế khoán mà các đối tượng này đang hưởng. Điều này có thể có những rủi ro pháp lý lớn cho các sàn thương mại điện tử vì nguy cơ sai sót quá lớn. Nếu phải thu, sàn chỉ nên thu phần thuế VAT với thuế suất thông thường, không phải mức thuế khoán.
Các mức khoán chỉ nên áp dụng đối với cửa hàng thực tế, riêng biệt, không nên áp dụng khi chúng cùng được bán trên một sàn vì lợi thế cạnh tranh là rất đáng kể. Đồng thời, việc thu thuế tại nguồn, nếu dự thảo được thông qua, sẽ khó áp dụng hơn vì không thể quản lý theo mã mặt hàng để tính thuế thống nhất. Để làm được điều này, cũng có thể phải sửa đổi các quy định về thuế khoán.
Đồng thời, khi điều kiện công nghệ chưa tối ưu, Ban soạn thảo cần cân nhắc tách bạch phần khai thuế để tiếp tục đánh giá tác động, đánh giá khả năng thực thi của các sàn nội địa trước khi yêu cầu các sàn phải khai thuế thay.
Theo chúng tôi, chỉ nên áp dụng phương thức khấu trừ VAT theo thuế suất xác định trước với từng giao dịch của từng nhà bán hàngPhương thức này bảo đảm thu đủ thuế mà vẫn có thể hỗ trợ cơ quan thuế kiểm tra phần khai thuế của người bán hàng bằng cách gửi sao kê chi tiết các giao dịch của người bán hàng cho cơ quan thuế khi có yêu cầu.
7.3 Việc kê khai và nộp thuế thay liên quan đến nghiệp vụ của đại lý thuế. Tuy nhiên, song song với quy định về nghĩa vụ mới của sàn thương mại điện tử, Dự thảo không dự liệu gì thêm về điều kiện kinh doanh mới của các sàn thương mại điện tử là phải có nhân viên có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế thì mới được phép đi vào hoạt động. Đây là điểm cần hoàn thiện thêm của Dự thảo.
Trong trường hợp Ban Soạn thảo không có ý định đặt thêm điều kiện kinh doanh đối với sàn thương mại điện tử thì cũng cần thiết sửa đổi cả quy định về đại lý thuế chứ không chỉ thuần túy trao thêm nghĩa vụ cho sàn thương mại điện tử. Như trên đã trình bày, Ban soạn thào cần đánh giá tác động của quy định mới và đánh giá năng lực thực hiện của các sàn nội địa trước khi giao thêm nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế thay người bán.
7.4 Cần nhìn nhận rằng, việc trao nghĩa vụ mới này, dù không được coi là điều kiện kinh doanh mới thì cũng tạo ra một gánh nặng tuân thủ rất lớn đối với các sàn thương mại điện tử. Khối lượng công việc lớn, rất dễ sai sót và có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, các sàn sẽ phải tuyển dụng thêm nhân viên có kiến thức và chuyên môn về thuế nhằm giảm thiểu rủi ro chứ không triệt tiêu được rủi ro kê khai thuế không chính xác. Chúng tôi cho rằng, Dự thảo cần có quy định riêng về vi phạm dạng này khi nhà nước không mua bảo hiểm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
Vì vậy, cần bổ sung cơ chế khắc phục sai sót, nhầm lẫn cho việc khai hộ, nộp hộ này, ví dụ được sửa chữa, cập nhật trong một khoảng thời gian dài hơn thông thường mà không bị coi là vi phạm.
7.5 Về phạm vi, dường như quy định mới được bổ sung chỉ hướng đến cá nhân và hộ kinh doanh Việt Nam mà không xét đến sự hiện diện của các thương nhân nước ngoài tham gia kinh doanh trên nền tảng của Việt Nam. Không khó để nhận ra các gian hàng quốc tế trên Tiki hay Shopee. Theo thông lệ quốc tế, đây mới chính là đối tượng cần quan tâm xem xét việc thu tại nguồn các loại thuế gián thu từ các hàng hóa, dịch vụ của họ được giao đến và tiêu dùng tại Việt Nam.
7.6 Các biện pháp nâng cao năng lực, hiện đại hóa trong chính sách 03 cần thiết dành một phần kinh phí cho các doanh nghiệp, điều mà dự thảo còn nêu rất mờ nhạt, vì việc hiện đại hóa, chuyển đổi số hoạt động quản lý thuế không chỉ là việc của nhà nước, chưa kể việc khá nhiều hoạt động được chuyển giao cho doanh nghiệp thực hiện, trong đó có dự kiến việc khai thay, nộp thay trong Dự thảo.
8. Kết luận
Giao nghĩa vụ thu thuế và nộp thuế cho sàn thương mại điện tử, không còn bàn cãi, đó là xu hướng toàn cầu. Tuy vậy, bất kỳ một việc giao thêm nghĩa vụ nào cũng cần thiết phải thiết kế những quyền của họ, khi tiếp nhận nghĩa vụ mới là gì. Khó có thể so sánh các sàn thương mại điện tử Việt Nam với những doanh nghiệp khổng lồ như Amazon, Alibaba và cả Pindoudou, cả về vốn, nhân sự và trình độ công nghệ, vì vậy các bước chuyển giao cần được lựa chọn các ưu tiên theo thời gian để doanh nghiệp có thể thích ứng được với chủ trương mới và quy định mới.
Đồng thời, nhà nước cũng cần cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo tính khả thi của quy định, ngoài chính sách thuế, hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho việc tính thuế dễ dàng và tự động cũng hết sức quan trọng. Ngành thuế có thể phát triển các ứng dụng như API (application programming interfaces)và cho các sàn thương mại điện tử sử dụng miễn phí, hoặc thuê với giá hợp lý để thực hiện nghĩa vụ mới một cách hiệu quả và không bị hao hụt năng lực vì chi phí tuân thủ.
Ngô Vĩnh Bạch Dương
Viện Nhà nước và Pháp luật
Nghiên cứu này là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước, “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, mã số KX.04.14/21-25 do TS. Phạm Thị Thúy Nga làm chủ nhiệm
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Annie Musgrove (2022), Marketplace Facilitator Tax Laws Are Here—So Is ‘Build vs. Buy’, Bloomberg Tax 2024.
2. Global Link Asia Colsulting, Điều kiện, quy trình đăng ký thu thuế bán hàng (sale tax) tại Mỹ. (2024)
3. Manish Bhatt (2023), Marketplace Facilitator Laws: Past, Present, and a Better Future, Tax Foundation, 2023.
4. OECD (2017), International VAT/GST Guidelines, OECD Publishing, Paris 2017
5. OECD (2017), Mechanisms for the Effective Collection of VAT/GST where the supplier is not located in the jurisdiction of taxation. OECD Publishing, Paris 2017
6. OECD (2019), The Role of Digital Platforms in the Collection of VAT/GST on Online Sales, OECD Publishing, Paris 2019.
7. Rifat Azam, Online Taxation Post Wayfair, 51 N.M. L. Rev. 116 (2021)
8. South Dakota v. Wayfair, Inc. 138 S.Ct. 2080 (2018).
9. The Revised Kyoto Convention
10. World Customs Organization (2018), The E-Commerce Package includes the Framework of Standards on cross-border e-commerce as well as documents supporting its implementation.
Chú thích:
[1] OECD (2017), International VAT/GST Guidelines, OECD Publishing, Paris, trang 15.
[2] Commerce Clause là Điều I, Mục 8, Khoản 3 của Hiến pháp Mỹ. Nội dung của điều khoản này quy định rằng Nghị viện Mỹ có quyền "điều chỉnh thương mại với các quốc gia khác, giữa các bang, và với các bộ tộc da đỏ" ("To regulate Commerce with foreign Nations, and among the several States, and with the Indian Tribes").
[3] Rifat Azam, Online Taxation Post Wayfair, 51 N.M. L. Rev. 116 (2021), trang 117.
[4] South Dakota v. Wayfair, Inc. 138 S.Ct. 2080 (2018).
[5] Rifat Azam, Online Taxation Post Wayfair, sđd, trang 117.
[6] Xin xem thêm Global Link Asia Colsulting, Điều kiện, quy trình đăng ký thu thuế bán hàng (sale tax) tại Mỹ, có sẵn tại: https://globallinkconsulting.sg/vi/bai-viet/thue-ke-toan-nuoc-ngoai/thue-ke-toan-my/seller-my-thue-ban-hang-sales-tax, truy cập 20/10/2024.
[7] OECD 2017, International VAT/GST Guidelines, sđd, trang 23.
[8] OECD (2019), The Role of Digital Platforms in the Collection of VAT/GST on Online Sales, OECD Publishing, Paris, trang 12.
[9] The Revised Kyoto Convention, Phụ lục tổng quát, Chương 4, mục C, tiêu chuẩn 4.13.
[10] OECD (2019), The Role of Digital Platforms in the Collection of VAT/GST on Online Sales, Sđd trang 14.
[11] World Customs Organization (2018), The E-Commerce Package includes the Framework of Standards on cross-border e-commerce as well as documents supporting its implementation. Bản điện tử có sẵn tại https://www.wcoomd.org/en/topics/facilitation/instrument-and-tools/frameworks-of-standards/ecommerce.aspx, truy cập 20/10/2024.
[12] OECD (2019), The Role of Digital Platforms in the Collection of VAT/GST on Online Sales, Sđd trang 15.
[13] Xem thêm: OECD (2017), Mechanisms for the Effective Collection of VAT/GST where the supplier is not located in the jurisdiction of taxation, trang 29, 30.
[14] OECD 2017, International VAT/GST Guidelines, sđd, trang 29.
[15] Annie Musgrove (2022), Marketplace Facilitator Tax Laws Are Here—So Is ‘Build vs. Buy’, Bloomberg Tax, bản điện tử có sẵn tại: https://news.bloombergtax.com/tax-insights-and-commentary/marketplace-facilitator-tax-laws-are-here-so-is-build-vs-buy, truy cập 20/10/2024.
[16] Annie Musgrove (2022), Marketplace Facilitator Tax Laws Are Here—So Is ‘Build vs. Buy’, Bloomberg Tax, tài liệu đã dẫn.
[17] Manish Bhatt (2023), Marketplace Facilitator Laws: Past, Present, and a Better Future, Tax Foundation, 2023, trang 11.
[18] Manish Bhatt (2023), Marketplace Facilitator Laws: Past, Present, and a Better Future, Tax Foundation, Sđd, trang 11.