Nhức nhối hàng giả trên thương mại điện tử

12/01/2024 18:34

Theo dõi trên

“Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu được bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng, đe dọa môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng…”. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường tại Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 11/1/2024.

nhuc-nhoi-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-1-1705159831.jpg

Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường tại diễn đàn. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhiều thủ đoạn mới, tinh vi

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lê cũng cho biết, năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát do các lực lượng chức năng hai bên biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, ông Lê cũng cho biết, thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm các tháng giáp Tết 2024. Các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như không khai báo hoặc  khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh… chủ yếu các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử…

Trong thị trường nội địa, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

“Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh (mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử), hàng hóa sau đó được vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng”, ông Lê thông tin.

Đáng chú ý, theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, trong thời gian đầu năm, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ về nạn hàng giả, hàng kém chất lượng bởi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động  sản xuất, vận chuyển, kinh doanh  các mặt hàng thực phẩm  trở nên sôi động; đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát,…

nhuc-nhoi-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-2-1705159831.jpg

Đại Tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21. Ảnh: Quốc Tuấn

Doanh nghiệp cần chủ động gửi đơn tới cơ quan quản lý

Cũng chia sẻ tại Diễn đàn, Đại Tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy sản xuất một số mặt hàng lưỡng dụng phục vụ nền kinh tế quốc dân như: Thuốc nổ công nghiệp, thuốc nổ nhũ tương, phụ kiện nổ (kíp đốt, kíp điện, kíp vi sai…) và pháo hoa các loại.

Tuy nhiên, Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã cho phép người dân được sử dụng các sản phẩm pháo hoa chính hãng, an toàn được Công ty nghiên cứu và sản xuất. Đại tá Chu Việt Sơn cũng thông tin thêm, những năm gần đây, sản phẩm pháo hoa như: Giàn phun viên, giàn phun hoa, giàn phun viên nhấp nháy….. người dân được phép sử dụng, được bán đúng giá tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của Nhà máy; tuy nhiên lợi dụng vấn đề này một số gian thương đẩy giá, làm giả, làm nhái sản phẩm pháo hoa của công ty.

“Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng, cá biệt có những sản phẩm hàng giả khi người dân mua về nhưng bên trong trống rỗng”, Đại Tá Chu Việt Sơn nhấn mạnh và cho biết, để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, đơn vị đã tập trung vào việc đầu tư dây chuyển sản xuất công nghiệp, hiện đại, 100% các sản phẩm pháo hoa phun viên được chế tạo từ giàn đúc sẵn, thân thiện với môi trường…

“Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai dùng mã QR biến đổi để xác thực thông tin sản phẩm: Tất cả sản phẩm giàn pháo hoa của nhà máy sản xuất trên bao bì nhãn mác đều có gắn 01 mã QR code biến đổi, người tiêu dùng có thể sử dụng các phần mềm quét mã QR để xác thực thông tin sản phẩm chính hãng. Nếu là hàng giả, hàng nhái khi quét mã QR code không có thông tin sản phẩm trên hệ thống”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo Đại Tá Chu Việt Sơn, trên mạng xã hội hiện nay, không khó để liên hệ và mua sản phẩm pháo hoa, tuy nhiên nếu không tỉnh táo người dân có thể mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân nên tìm hiểu và mua các sản phẩm chính hãng tại các cửa hàng của Nhà máy để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn.  Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để phát hiện, ngăn chặn cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp làm giả, làm nhái các loại sản phẩm để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cũng như sức khoẻ người tiêu dùng”, đại diện Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 kiến nghị.

Cũng chia sẻ tại Diễn đàn, thay mặt một số doanh nghiệp ngành Dược, ông Đỗ Trung Nam cho rằng, quá trình xử lý các đối tượng buôn bán, sản xuất hàng giả chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Chia sẻ thêm về điều này, ông Nam cho biết, doanh nghiệp phát hiện nhiều trang mạng xã hội bán sản phẩm của mình, sau khi mua về phân tích thì phát hiện hoàn toàn là giả mạo.

“Chúng tôi đã đăng thông tin cảnh báo lên trang web của đơn vị, sau đó, không thấy sản phẩm của mình bị làm giả để bày bán nữa….Tuy nhiên, kết quả xử lý các đối tượng đã buôn bán, làm giả sản phẩm của mình thì doanh nghiệp chúng tôi không nắm được, cũng không được thông tin. Do vậy, chúng tôi mong muốn có được sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Trả lời ý kiến của ông Đỗ Trung Nam, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, các đối tượng kinh doanh hàng giả trên sàn thương mại điện tử khi bị xử lý sẽ có rất nhiều hình thức. Điển hình như đầu tiên là gỡ bỏ các thông tin rao bán sản phẩm.

“Khi phát hiện ra sản phẩm của mình bị làm giả, thương hiệu bị xâm phạm thì doanh nghiệp hãy gửi đơn đến cơ quan chức năng, lúc đó kết quả xử lý các đối tượng sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm trí tuệ sẽ có văn bản trả lời chi tiết gửi đến các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Lê nói.

Bạn đang đọc bài viết "Nhức nhối hàng giả trên thương mại điện tử" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com