Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tà đạo

Những năm qua, tình trạng các tà đạo xâm nhập vào nhiều huyện biên giới phía Bắc đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và an ninh trật tự trên địa bàn. Để ngăn chặn tà đạo, thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện Mèo Vạc (Hà Giang), mà nòng cốt là lực lượng vũ trang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng đến nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi.

Huyện Mèo Vạc có đường biên giới dài hơn 41km, gồm 17 xã và 1 thị trấn. Dân số toàn huyện là hơn 93.000 người, có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm hơn 70%.

Là huyện vùng cao biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên trong những năm qua, một số người dân đã bị các đối tượng xấu lôi kéo theo các tà giáo, trong đó nổi bật là tà đạo “San sư khẻ tọ”. Đơn cử, tại thôn Sả Nhè Lử, xã Xín Cái có 73 hộ (100% là đồng bào dân tộc Mông) thì có tới 22 hộ theo tà đạo này; còn xã Thượng Phùng có 35 hộ, xã Sủng Trà 37 hộ, xã Sủng Máng 228 hộ cũng theo đạo “San sư khẻ tọ”.

luc-luong-chuc-nang-huyen-meo-vac-den-van-dong-nguoi-dan-khong-tin-theo-ta-dao-pld-1692178903.jpg
Lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc đến vận động người dân không tin theo tà đạo.

Cách thức sinh hoạt của tà đạo “San sư khẻ tọ” là không có giáo lý, không có người đại diện, sinh hoạt theo nhóm tại gia đình, trong nhà dựng biểu tượng hình chữ thập bằng giấy đỏ hoặc vải đỏ. Hoạt động của tà đạo này đã ảnh hưởng xấu đến truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Những người tin theo phải bỏ phong tục, tập quán của dân tộc, phải dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, khi có người ốm đau không đưa đi khám, chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh viện mà ở nhà cầu nguyện... Điều này gây bức xúc trong cộng đồng.

Anh Hạ Mí Pó ở thôn Sả Nhè Lử cho biết: “Những hộ tham gia tà đạo “San sư khẻ tọ” được trưởng nhóm đạo tuyên truyền, khi theo tà đạo, con cái hay người thân trong gia đình ốm đau chỉ cần ở nhà cầu nguyện sẽ tự khỏi bệnh mà không cần phải đi bệnh viện. Họ gieo rắc cho người dân trong thôn những điều sai trái, bỏ tục thờ cúng ông bà, tổ tiên... 

Trước thực trạng đó, các cơ quan, ban, ngành của huyện Mèo Vạc đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tà đạo len lỏi vào đời sống của người dân.

Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc khẳng định: “Thường trực Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao vấn đề tôn giáo, dân tộc trên địa bàn; trong đó yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền lồng ghép những nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền được hơn 3.000 buổi, thu hút hơn 35.000 lượt người nghe. Kết quả, trong các năm 2020, 2021, 2022, huyện tuyên truyền vận động thành công 67 hộ gia đình theo tà đạo “San sư khẻ tọ” quay lại phong tục, tập quán truyền thống địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện về phát triển kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội để đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”.

Đặc biệt, vào đầu tháng 6-2023, Công an huyện Mèo Vạc đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền các hộ theo tà đạo “San sư khẻ tọ” quay lại phong tục, tập quán truyền thống địa phương. Để thực hiện hiệu quả đợt cao điểm, Công an huyện đã phân công cán bộ công an là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, biết nói tiếng, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào phối hợp với cấp ủy, chính quyền và công an các xã tích cực về cơ sở bám nắm địa bàn, vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục, tham gia vào các tà đạo.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã từng bước giúp các hộ gia đình nhẹ dạ, cả tin hiểu ra được bản chất của tà đạo. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng công an huyện Mèo Vạc cho biết: “Sau hơn hai tháng tích cực triển khai nhiệm vụ của đợt cao điểm, lực lượng công an huyện đã phối hợp với công an xã, cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động thành công 68 hộ, với 280 khẩu trước kia theo tà đạo “San sư khẻ tọ” quay về phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống. Các hộ đều tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo và tiến hành lập bàn thờ theo phong tục, tập quán. Đặc biệt, có hai xã là Xín Cái và Khâu Vai đã xóa bỏ hoàn toàn tà đạo này.

Như trường hợp gia đình ông Vừ Mí Ná ở thôn Thàn Chư, xã Thượng Phùng là trường hợp đầu tiên trong thôn đi theo tà đạo “San sư khẻ tọ”. Cách đây hơn 10 năm, gia đình ông đi theo tà đạo này và lôi kéo thêm 7 gia đình khác trong thôn tham gia. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, vừa qua ông Ná và 7 gia đình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo. “Ngày trước, tôi mê muội nghe theo kẻ xấu tham gia tà đạo. May nhờ có cán bộ và chính quyền tuyên truyền, cảm hóa mà tôi đã quay về với phong tục truyền thống của dân tộc mình. Cán bộ quan tâm người dân như vậy, còn gì tốt hơn nữa mà đi theo kẻ xấu”, ông Ná chia sẻ.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, huyện thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cảnh giác trước sự nguy hại của các hiện tượng tôn giáo không được Nhà nước công nhận, từ đó góp phần giúp nhân dân tập trung phát triển kinh tế, không tin, theo các tà đạo; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình.