Ôm hơn nghìn lô đất, nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” vì bán không ai mua

Tâm An

20/10/2022 10:41

Theo dõi trên

Một nhà đầu tư ôm hơn 1.000 lô đất đang tìm cách thoát hàng, đã rao bán mấy tháng nay nhưng chưa bán được. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng gặp cảnh tương tự.

om-hon-nghin-lo-dat-nha-dau-tu-dung-ngoi-khong-yen-vi-ban-khong-ai-mua-1666251221-1666236818.jpg
Nhiều nhà đầu tư nôn nóng vì rao bán đất không ai mua

Nhà giàu cũng khóc

Là một nhà đầu tư lớn về bất động sản, chị N. (quê Hải Dương) cho biết đang rơi vào tình trạng “đứng ngồi không yên” vì ôm hơn nghìn lô đất nhưng không bán được.

Từ đầu năm 2022 đến nay, chị N. đã rao bán nhiều lô đất ở Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) nhưng vẫn chưa tìm được người mua và hiện đang nhờ các “đàn anh” mua lại.

Dù có trong tay cả hơn nghìn lô đất, nhưng chị N. cho biết khi cần 1 tỉ đồng tiền mặt chị cũng phải đi vay. Vay vốn ngân hàng hiện không còn dễ dàng như trước. Để xoay xở nguồn tiền, chị đành phải bán một khách sạn ở Lào Cai.

Anh Nguyễn Tú, một nhà đầu tư ở Hà Nội, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh cho biết đã xuống tiền mua 13 lô đất tại Gia Lai hồi tháng 5/2022. Thời điểm đó, những lô đất anh mua có diện tích 117m2 với giá 700 triệu đồng, hầu hết là đất ở đô thị, trung tâm của huyện.

Tuy nhiên, cả tháng nay, anh đăng bán 750 triệu đồng/lô nhưng không một ai mua. So với thời điểm tháng 5, anh Tú cho hay giá các lô đất hiện không giảm mà chỉ có đất vùng ven đô thị giảm nhẹ.

Tình trạng bán tháo đất nền sẽ diễn ra cuối năm?

Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, cho rằng ngoài việc khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn thêm khi lãi suất có xu hướng liên tục tăng.

“Nếu năm ngoái người mua đã sử dụng đòn bẩy tài chính, đến nay đã hết ưu đãi lãi suất và thả nổi theo thị trường thì mức chênh lệch lãi suất đang khoảng 4,5-5% so với thời điểm xuống tiền”, ông Điệp nói. Ngoài ra, lãi suất từ giờ tới cuối năm vẫn được dự báo tăng, việc nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy không chịu được áp lực sẽ phải bán tháo.

Cũng theo ông Điệp, thị trường bất động sản sẽ không rớt thảm như giai đoạn 10 năm trước, bởi sự điều tiết của nhà nước đã nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc lãi suất tiếp tục tăng có thể xảy ra. Theo đó, tình trạng giảm giá, bán lỗ bất động là điều khó tránh khỏi.

“Tình trạng bán tháo có thể xảy ra vào giai đoạn cuối năm, sẽ xuất hiện đầu tiên ở phân khúc đất nền. Đặc biệt là đất nền ở các tỉnh khi không có nhiều nhu cầu thực, chưa tạo được giá trị nhưng thời gian qua giá đã tăng nóng”, ông Điệp nói.

Ông Phạm Đức Toản, nhà sáng lập EZ Property, cũng đồng quan điểm, cho rằng đây chưa phải đáy của đợt suy thoái bất động sản lần này.

Theo ông Toản, phân khúc nào tăng giá mạnh mẽ nhất giai đoạn trước sẽ giảm sâu nhất trong thời gian tới. Đặc biệt là đất vùng ven và ngoại tỉnh, đất ở nông thôn, đất đang chờ quy hoạch ăn theo các khu công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, ông cho rằng đất tại trung tâm các thành phố lớn sẽ vẫn giữ giá, thậm chí sẽ có tăng nhẹ ở một số phân khúc khi nhà đầu tư tính tới phương án an toàn khi giữ tiền để trú ẩn trước tình hình lạm phát.

Nhìn tổng thể thị trường từ nay đến cuối năm, nhà sáng lập EZ Property nói “không có gì tươi sáng khi mà mọi yếu tố đều chống lại”.

Có nhiều nguyên nhân được ông Toản viện dẫn như: chứng khoán phập phù, giằng co; lãi suất tăng; kinh tế vĩ mô vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thế giới; chiến tranh vẫn đe doạ các nền kinh tế lớn như châu Âu; dòng tiền kiều hối năm 2022 dự kiến sẽ giảm so với các năm trước…

Số liệu của một đơn vị nghiên cứu thị trường vừa công bố trong quý 3/2022 cho thấy, giá bán đất nền tại một số tỉnh miền Bắc giảm như Quảng Ninh giảm 7%, Bắc Ninh giảm 6%, Bắc Giang giảm 5%...

Còn tại thị trường Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền sụt giảm mạnh, kéo theo giá bán giảm, đặc biệt những khu vực từng “sốt nóng” trước đây như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Hoài Đức, Sóc Sơn.

Cụ thể, mức độ quan tâm về đất nền Hoài Đức giảm 17%, Quốc Oai giảm 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Đông Anh giảm 8%, Long Biên giảm 21%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%. Về giá bán, Long Biên giảm mạnh nhất với mức 10%, Thanh Trì giảm 9% còn Quốc Oai và Đông Anh giảm 1%.

Bạn đang đọc bài viết "Ôm hơn nghìn lô đất, nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” vì bán không ai mua" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com