Cụ thể, tại Nghị quyết ngày 09/12, HĐQT OCH thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Kem Tràng Tiền từ Công ty CP Bánh Givral với khối lượng 1.499.700 cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương 14,997 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng không quá 15% tổng tài sản trong BCTC gần nhất của OCH.
Đồng thời, HĐQT cũng thông qua nội dung OCH nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Thực phẩm Fuji từ Công ty CP Bánh Givral với khối lượng 946.800 cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương 9,468 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng không quá 15% tổng tài sản trong BCTC gần nhất của OCH.
Sau khi nhận chuyển nhượng, Kem Tràng Tiền và Thực phẩm Fuji sẽ là công ty con và hợp nhất kết quả kinh doanh vào các BCTC của OCH. Tính đến ngày 30/9, OCH hiện có 06 công ty con sở hữu trực tiếp, 01 công ty liên kết nắm giữ tỷ lệ lợi ích 49,1%. Trong đó, OCH chiếm tỷ lệ sở hữu 99,68% tại Công ty CP Bánh Givral – công ty nắm quyền sở hữu 02 doanh nghiệp trên. Như vậy, giao dịch chuyển nhượng này thực chất là chuyển sở hữu từ công ty con sang Công ty mẹ sở hữu trực tiếp.
Trước đó, vào ngày 23/11, OCH đã công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản năm 2022. Trong đó, đáng chú ý là nội dung OCH sẽ chuyển nhượng 5.142.240 cổ phần tại Công ty CP Tân Việt, 16.073.200 cổ phần tại Công ty CP Viptour – Togi và thoái toàn bộ 100% vốn đầu tư tại Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang. Tổng giá trị chuyển nhượng sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách khoản đầu tư tại các doanh nghiệp này. Ngoài ra, OCH cũng thông qua nội dung thoái toàn bộ số vốn đầu tư tại Dự án Starcity Airport với mức giá tối thiểu bằng tổng chi phí đầu tư vào dự án trừ đi dự phòng.
Đối tác dự kiến sẽ mua lại khối tài sản trên lại chính là Công ty mẹ của OCH – Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group). Vậy thì mục đích chủ yếu của việc thoái vốn cũng không khác là mấy so với khi OCH nhận chuyển nhượng số cổ phần Kem Tràng Tiền và cổ phần Thực phẩm Fuji.
Ngày 02/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định chuyển cổ phiếu OCH của Công ty CP One Capital Hospitality từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm nộp BCTC đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với quy định. Theo đó, Công ty chỉ được giao dịch vào phiên Thứ 6 hàng tuần mà thôi.
Sau đó, ngày 22/7, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP One Capital Hospitality. Tổng số tiền xử phạt là 210 triệu đồng, trong đó phạt 60 triệu đồng do Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và HNX đối với BCTC kiểm toán năm 2021, phạt 150 triệu đồng vì đã công bố thông tin sai lệch về lợi nhuận sau thuế TNDN đối với BCTC quý 4/2021 (trước kiểm toán). Đồng thời, Công ty buộc phải cải chính lại các thông tin đã công bố sai lệch, cụ thể: lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2021 của Công ty trước kiểm toán là lãi 5,7 tỷ đồng tại BCTC công ty mẹ quý 4/2021 và lỗ 76,8 tỷ đồng tại BCTC hợp nhất quý 4/2021; lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2021 của Công ty sau kiểm toán là lỗ 387,8 tỷ đồng tại BCTC kiểm toán công ty mẹ năm 2021 và lỗ 467,5 tỷ đồng tại BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021.