Theo đó, hội nghị đã tập trung bàn luận về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP.Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo về Đề án và Nghị quyết xây dựng và phát triển thành phố Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hoá, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng.
Trong đó Di sản văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Xây dựng Hội An giữ vai trò là một trong những vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.
Xây dựng thành phố Hội An có những tiêu chí tương đương của đô thị loại 2. Cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh trong tỉnh Quảng Nam và mạng lưới đô thị thông minh trong nước, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Ông Phan Việt Cường- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất sẽ đưa việc xây dựng và phát triển TP.Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch vào chương tình công tác năm 2023, đồng thời yêu cầu TP.Hội An tiếp thu các ý kiến và hoàn chỉnh Đề án, các văn bản có liên quan.
Mở rộng đô thị Hội An để giảm áp lực gia tăng dân số
Trong một diễn biến có liên quan, trước đó ngày 26/8/2022, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 2239/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình số 16 -CTr/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh mô hình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam theo mô hình các cụm đô thị động lực và các hành lang đô thị hóa, đồng thời phát huy vai trò động lực của các cụm đô thị phía Đông và nhiệm vụ ổn định, kết nối đồng bộ của các đô thị vùng Tây.
Về phía Đông, tại cụm đô thị động lực số 1, tỉnh sẽ phát triển đô thị Hội An thành đô thị đặc thù tương đương tiêu chí đô thị loại II; Điện Bàn thành đô thị loại III, hướng đến là thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn 2025 - 2030; tiếp tục xây dựng và hướng đến các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Cũng tại quyết định nêu trên, Quảng Nam xác định thành phố Hội An sẽ được đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, thực hiện đạt mục tiêu là trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước.
Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế với giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; kết hợp kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các giá trị kiến trúc cổ trong quá trình phát triển đô thị. Xây dựng đô thị sinh thái, giữ gìn không gian đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện với thiên nhiên, môi trường.
Quảng Nam cũng định hướng việc mở rộng không gian đô thị Hội An hợp lý để giảm áp lực gia tăng dân số đi đôi với đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch.