Phục hồi chất lượng môi trường 4 con sông thuộc khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội

Việc phục hồi chất lượng nước, môi trường, cảnh quan các con sông trên địa bàn TP. Hà Nội đang được các chuyên gia, chính quyền TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm...

Đề cao các giải pháp để phục hồi chất lượng môi trường 4 con sông

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày khu vực Hà Nội có khoảng 350.000-400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

song-kim-nguu-pld-1695307868.jpg
Sông Kim Ngưu nằm trong hệ thống thoát nước thải của TP. Hà Nội. Sông dài 1,2km, từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) đến Yên Sở (quận Hoàng Mai). Ảnh: VGP/Thùy Chi

Từ nhiều năm trước Hà Nội đã chỉ ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm, làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng (từ năm 2013, thành phố Hà Nội đã đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu).

Ngoài ra, nhiều dự án cũng được thành phố Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6 trạm, nhà máy xử lý nước thải được đưa vào hoạt động. Một số dự án khác đã và đang khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô, kể cả sông lớn như Nhuệ, Đáy cũng như các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Trước thực tế trên, công tác cải thiện chất lượng nước sông, nhất là các quận nội đô, đang được TP. Hà Nội chú trọng triển khai. Cụ thể, TP. Hà Nội đề cao các giải pháp để phục hồi chất lượng môi trường 4 con sông thuộc khu vực trung tâm TP. Hà Nội. 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP. Hà Nội, gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Cụ thể, sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Hằng ngày, sông Tô Lịch có khoảng hơn 150.000m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Mỗi ngày, có hơn 300 cống xả thải được xả trực tiếp xuống lòng sông Tô Lịch. Phần bờ kè của sông Tô Lịch đang được cải tạo và nâng cấp.

Sông Lừ dài khoảng 10km, chảy qua các phường Nam Đồng, Quang Trung, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa), Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân và phường Định Công; Đại Kim, quận Hoàng Mai).

Sông Sét dài khoảng 3,6km cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nặng. Nước tại dòng sông Sét đen kịt, nhiều rác thải được vớt dưới dòng sông. Rác thải sinh hoạt được tập kết ngay phía trên lan can dòng sông Sét gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Sông Kim Ngưu nằm trong hệ thống thoát nước thải của TP. Hà Nội. Sông dài 1,2km, từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) đến Yên Sở (quận Hoàng Mai).

Trong Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét" do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng nêu rõ: Các dòng sông nội đô đều ở mức ô nhiễm từ vừa đến nặng. Chỉ số DO (chỉ số oxy hòa tan trong nước), cho thấy "sức khỏe" dòng sông suy giảm rõ rệt, nhất là đánh giá theo chuỗi thời gian 10 năm trở lại đây của Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thành phố.

Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để làm sống lại các con sông nội đô, Sở đang đánh giá lại các quy hoạch, đề án đã được duyệt trước đây nhằm hoàn thiện để trình UBND TP. Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai đề án.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đang xem xét lại tiêu chuẩn môi trường nhằm đánh giá, tiếp nhận và xử lý nguồn nước thải cho 4 con sông nội đô. Thực tế dù đã có nhiều công trình được triển khai nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm.

Theo ông Mai Trọng Thái, từ năm 2011, TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện hiệu quả do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông vẫn tồn đọng bất cập.

Xây dựng đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu sẽ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô, đáp ứng các quy chuẩn về môi trường. Từ đó đóng góp vào việc đáp ứng các tiêu chí đặt ra, hướng đến tiêu chí "Thành phố xanh - Thông minh - Sáng tạo", tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường, khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của dòng sông, gắn với hệ sinh thái nhân văn và các khu định cư truyền thống, khu phát triển mới dọc sông...

Cần sự quyết tâm lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống

Mục tiêu hồi sinh các dòng sông đã được Hà Nội đặt ra cách đây nhiều năm thông qua những đề án cải tạo, biện pháp ngăn chặn ô nhiễm. Tuy nhiên, vẫn cần sự quyết tâm lớn của các cấp các ngành liên quan.

Để phục hồi lại 4 con sông quan trọng Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, TP. Hà Nội cũng đã triển khai một số dự án nhằm góp phần cải thiện ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội. Trong đó, dự án thoát nước, cải thiện môi trường giai đoạn 1 và 2 bao gồm việc cải tạo hệ thống thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; cải tạo, nạo vét hồ nội thành.

Nhiều dự án liên quan khác cũng đang được triển khai, như: Đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở. Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày - đêm) đang được đầu tư với các giải pháp làm hệ thống cống bao sông Tô Lịch, sông Lừ, xây dựng nhà máy xử lý nước thải...

Nhận xét về tầm quan trọng trong vai trò thoát nước của 4 con sông, PGS, TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, vai trò thoát nước của hệ thống 4 sông nội đô luôn rất quan trọng, nhưng thực trạng ô nhiễm đã và đang ở mức báo động. Quá trình phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa, sức ép dân số cơ học trên địa bàn TP. Hà Nội ngày càng tăng, dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.

Trong khi đó, GS. TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đặc điểm thoát nước của TP. Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, do đó đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Vì vậy, cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa.

Đồng thời, bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để bảo đảm dòng chảy tự nhiên, làm cân bằng hệ sinh thái đồng thời cấp nước nông nghiệp vào mùa khô cho khu vực phía Đông Hà Nội.

Đưa ra giải pháp để phục hồi chất lượng môi trường của 4 con sông, GS. TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thủy lợi lại cho rằng, các dòng sông phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s mới cho phép xả thải vào, nhưng hiện 4 dòng sông của Hà Nội đều không đạt tốc độ này. Nếu có dòng chảy, sông sẽ có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, không làm ô nhiễm cho lưu vực sông.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông;...

Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi chất lượng môi trường các con sông trên địa bàn TP. Hà Nội, PGS, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng ô nhiễm tại các sông, hồ ở Hà Nội diễn ra đã nhiều năm qua. Để giải quyết vấn đề này, cần sự quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương. Nếu không xử lý sớm, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sức khỏe người dân, làm mất mỹ quan đô thị…