Những ngày qua, ở một số địa phương thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình xuất hiện tình trạng người dân đặt bẫy trên những cánh đồng để bắt chim trời, nhất là trên các cánh đồng nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua địa phận xã Sơn Thủy.
Khi trời bắt đầu chuyển dần sang chiều tối, các thợ săn chim trời lại đem theo đồ nghề ra các cánh đồng để đặt bẫy.
Dụng cụ bẫy chỉ đơn giản là những con cò mồi được làm từ xốp, cắm lên những thanh tre và đặt trên những cánh đồng. Các đàn chim, cò khi bay nhìn thấy cò mồi, tưởng là đồng loại, sẽ sà xuống để cùng kiếm ăn, từ đó dính vào những chiếc bẫy mà các thợ săn đã đặt sẵn.
Thông thường, mùa bẫy chim bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 khi những đàn chim bắt đầu di cư, cũng là lúc các cánh đồng đã được người dân thu hoạch xong.
Ông Lê Văn Mạnh (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy), người từng là một thợ săn chim trời, cho biết thông thường bẫy săn chim trời có hai loại. Loại dùng lưới thường dùng để bắt các loài chim nhỏ như: chim sẻ, chim én, chim cuốc… Loại thứ hai, dùng các con cò mồi để dụ các loại chim lớn như cò, vạc… mắc bẫy.
Trong suốt thời gian đặt bẫy, các thợ săn sẽ trú trong các lều hoặc nấp ở gần đó để mai phục, sẵn sàng "thu hoạch" chim trời.
Thời điểm để bẫy chim trời có thể kéo dài cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên thời điểm chim về nhiều và dễ bắt nhất là sáng sớm và chiều tà. Trung bình mỗi ngày một thợ săn chim có thể bắt được hàng chục con cò, vạc…
Chim trời sau khi bị bắt thường được các thợ săn bán lại cho những người mua quen mặt, sau đó những người này đưa chim trời ra các chợ hoặc các con đường có nhiều người qua lại để bán. Giá bán thông thường từ 10.000 đến 30.000 đồng/con hoặc cao hơn.
Đáng chú ý, việc làm này diễn ra công khai nhưng chưa thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhắc nhở, xử lý. Trong khi đó, việc đánh bắt chim trời vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ sự đa dạng sinh học tự nhiên./.