Theo đó, xét Văn bản số 570/VHTT ngày 31/8/2022 và Văn bản số 575/VHTT ngày 05/9/2022 của Phòng Văn hóa và Thông tin về việc khóa hai chiều đối với thuê bao điện thoại quảng cáo, rao vặt, giới thiệu dịch vụ sai quy định.
Đồng thời, căn cứ Công văn số 173/STTTT-BCVT ngày 31/3/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý tình trạng quảng cáo, rao vặt, giới thiệu dịch vụ sai quy định, UBND thành phố Đà Lạt đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện khóa hai chiều đối với thuê bao di động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Cụ thể, các số điện thoại nêu trên đã có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, rao vặt, giới thiệu dịch vụ tại các tuyến đường, trụ điện, tường rào gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố.
Theo UBND thành phố Đà Lạt, có 5 số điện thoại thuộc loại hình bán đất liên quan đến việc treo, dán, phát tờ rơi, bảng quảng cáo với số lượng nhiều trên trụ điện các tuyến đường trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Cẩn thận với những ‘’chiêu trò’’ quảng cáo rao bán đất trên mạng xã hội
Trong một diễn biến có liên quan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi đăng tải thông tin không đúng về ‘sốt đất’ nhằm đẩy giá lên cao, kích cầu thị trường trên mạng xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật về dự án bất động sản.
Cùng với đó là hành vi đăng tải thông tin không đúng về ‘sốt đất’ để đẩy giá đất lên cao, kích cầu thị trường trên mạng xã hội.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng một số tổ chức, cá nhân mở bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, huy động vốn ‘lách luật’ thông qua các hình thức ‘hợp đồng đặt cọc’, ‘hợp đồng giữ chỗ’.
Thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022, đã phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức và 7 cá nhân.
Qua công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về thông tin điện tử liên quan đến quảng cáo, đăng tin sai sự thật về các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã gặp một số khó khăn vướng mắc có liên quan.
Cụ thể là việc xác định danh tính chủ sở hữu website, Fanpage, tài khoản Facebook gặp nhiều khó khăn do tài khoản không xác thực danh tính và không để lại nhiều thông tin có thể tìm ra chủ sở hữu thực.
Bên cạnh đó, đa số các quảng cáo, thông tin sai sự thật được thực hiện bởi các chủ thể ở địa bàn ngoài tỉnh. Trong đó phổ biến là các công ty bất động sản và các công ty quảng cáo tại thành phố Hà Nội và TP.HCM, không có văn phòng đại diện tại Lâm Đồng.
Theo đó, các công ty này xây dựng website, Fanpage cho nhân viên chạy quảng cáo rao bán đất tại Lâm Đồng. Trong khi đó, nhân viên không thường trú hay tạm trú tại Lâm Đồng mà khi có khách hàng thì nhân viên mới lên dẫn khách đi, tư vấn qua điện thoại hoặc nhờ người quen dẫn khách đi.
Đến khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng xác định được chính xác thông tin chủ sở hữu website, Fanpage, Facebook thì không thể trực tiếp xử lý mà phải phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh liên quan xử lý,...