Nhà đầu tư đổ bộ vào Quảng Trị
Năm 2021 được xem là một năm thành công với tỉnh Quảng Trị trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư khi có đến 70 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tỉnh với tổng vốn 72.009 tỉ đồng.
Trong số đó có 13 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn 62.935 tỉ đồng và 57 dự án thực hiện ngoài khu kinh tế với tổng vốn 9.074 tỉ đồng.
Trong số các dự án trên có những nhà đầu tư lớn Liên danh Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation với dự án Khu công nghiệp Quảng Trị có tổng vốn 2.074 tỉ đồng; Công ty cổ phần Trung Khởi với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú có tổng vốn 4.533 tỉ đồng; dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 có tổng vốn 53.667 tỉ đồng.
Bên cạnh đó cũng có một số dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có tổng mức đầu tư lớn.
Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, như dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 5 có tổng vốn 1.346 tỉ đồng (Công ty CP điện gió Hướng Linh 5); dự án Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 2 có tổng vốn 1.370 tỉ đồng (Công ty CP điện gió Hướng Hiệp – THC); dự án Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 3 có tổng vốn 1.350 tỉ đồng (Công ty CP điện gió Hướng Hiệp – THC); dự án Khu đô thị thương mại Nam Đông Hà với tổng vốn 1.068 tỉ đồng.
Bước sang năm 2022, hoạt động xúc tiến đầu tư tại Quảng Trị tiếp tục diễn ra sôi động khi có nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư nhiều dự án lớn tại tỉnh.
Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam và Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn đề xuất dự án Khu đô thị Thuận Châu, thành phố Đông Hà với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.054 tỉ đồng.
Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holding đề xuất đầu tư 2 dự án khu du lịch và khu đô thị; Tập đoàn BBG và Tập đoàn Quantum tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư hai dự án quy mô 5,5 tỉ USD tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; Tập đoàn Central Group Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Dương tìm hiểu đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại TP. Đông Hà; Công ty cổ phần dịch vụ du lịch và thương mại Cửa Tùng và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đề nghị chấp thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp Khu đô thị biển và sân gôn tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh.
Chưa hết, Tập đoàn T&T cũng đang xúc tiến, đầu tư nhiều dự án như Khu du lịch, dịch vụ, đô thị và sân Golf tại huyện Cam Lộ; Khu dịch vụ du lịch xã Gio Hải, huyện Gio Linh.
Tác động lan tỏa
Đầu tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đã đánh giá cao báo cáo nghiên cứu khả thi của đơn vị tư vấn, đồng thời đề nghị các đơn vị tư vấn cùng nhà tài trợ cần tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo để tỉnh triển khai các bước tiếp theo.
Ông Tùng khẳng định tầm quan trọng của Cảng hàng không Quảng Trị đối với sự phát triển chung của tỉnh.
Do đó, trong quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến yếu tố tạo sự khác biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là khâu quy hoạch, cần rà soát tổng thể quy hoạch để nhà đầu tư thấy có lợi khi triển khai đầu tư thực hiện dự án.
Về tiến độ dự án cảng hàng không, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thống nhất trong tháng 8/2022 sẽ thông qua báo cáo khả thi và phấn đấu trong quý 1/2023 khởi công dự án.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết cho ý kiến về tác động của việc thực hiện dự án.
Báo cáo tóm tắt thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 – xây dựng dự án Cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng đã cho biết sự cần thiết phải đầu tư dự án này.
Cụ thể, việc hình thành Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và tạo sự lan tỏa tới các ngành kinh tế của tỉnh. Trong đó có ngành sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, việc hình thành Cảng hàng không Quảng Trị cũng sẽ có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cũng cho biết các dự án có liên quan đến dự án Cảng hàng không Quảng Trị như dự án đường kết nối cảng hàng không và quốc lộ 1; quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây; dự án đường tránh phía đông thành phố Đông Hà; một số khu công nghiệp, khu kinh tế khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ngày 20/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 2148/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với mục tiêu đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Quy mô dự án theo quy hoạch gồm cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất theo quy hoạch là 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác code C hoặc tương đương. Quy mô đầu tư dự án gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.822,9 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng. |