Nhà, sự quan tâm chăm sóc và trạng thái an lạc của người tham gia giáo dục
Trước COVID-19, tính dễ bị tổn thương của người tham gia giáo dục đã được thừa nhận trong các diễn ngôn về sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cho người dạy và học. Các phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần và hạnh phúc hay được nói tới nhấn mạnh vào việc đào tạo và vận dụng các chiến lược tâm lý. COVID-19 đã làm nổi bật lên vai trò của nơi chốn, đặc biệt là nơi chốn được coi là nhà. Những dòng người lũ lượt trở về quê hương bất chấp những khó khăn, rủi ro và sự trừng phạt liên quan, bởi thật sự khó có thể sống xa nhà trong điều kiện giãn cách xã hội.
Kể từ khi bùng phát COVID-19, sinh viên, nhất là sinh viên quốc tế, trên khắp thế giới đã rơi vào những tình huống vô cùng khó khăn. Sinh viên quốc tế ở Mỹ phải chuyển ra khỏi ký túc xá và do đó phải vật lộn với những khó khăn về chỗ ở. Tại Việt Nam, các trường hợp COVID-19 được ghi nhận liên quan đến sinh viên từ nước ngoài trở về đã từng làm dấy lên tranh luận.
Ở những nơi đại dịch gây hậu quả nặng nề, cả sinh viên và giảng viên đều phải chịu đựng những cảm xúc khó khăn do người thân ốm đau và qua đời. Tình người trở nên quan trọng. Sự quan tâm chăm sóc của các trường đại học dành cho sinh viên và đội ngũ của mình trong đại dịch thu hút sự chú ý của dư luận.
Để hỗ trợ sinh viên trong đại dịch, trường học phải biết nơi họ đang sống và hợp tác với cộng đồng dân cư nơi đây. Sự quan tâm chăm sóc theo nơi chốn khác với dịch vụ chăm sóc khách hàng để duy trì sự hài lòng của cá nhân mỗi khách hàng. Nó bận lòng với các điều kiện sống và làm việc, tính tới các yếu tố tình cảm, kinh tế, xã hội và môi trường của giáo dục, là cần thiết để tạo ra những nơi chốn đáng sống không chỉ trong bối cảnh đại dịch.
Kết nối cộng đồng
Trong quan niệm đương đại, trường đại học không còn là “tháp ngà” mà trở thành các học viện tựa vào và phục vụ cộng đồng. Các chương trình đại học ở các quốc gia phương Tây thường yêu cầu yếu tố phục vụ cộng đồng. Ý tưởng này hiện nay đã lan rộng và đang hiện diện trong hoạt động của các trường đại học ở Việt Nam. Kết nối giữa trường đại học và cộng đồng thường gắn liền với sự thừa nhận tầm quan trọng của các trường đại học trong phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là vai trò chuyển giao tri thức như một nguồn lực cho đổi mới. Ngoài ra, nó cũng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, một số trường đại học toàn cầu đã ưu tiên quan hệ với các đối tác thành phố của họ. Các trường đại học ở Amsterdam (Hà Lan), Dublin (Ireland), Glasgow (Scotland) và Hannover (Đức) định hình quá trình quốc tế hóa của họ thông qua lăng kính của các thành phố tương ứng, với các hoạt động dưới ba hình thức: (1) chiến lược truyền thông và tiếp thị, (2) các hoạt động nhằm truyền bá những lợi ích của quốc tế hóa trên toàn thành phố, và (3) các trường đại học hợp tác với chính quyền thành phố trong các chương trình cam kết quốc tế và thu hút nhân tài (Ransom, 2018). Các sáng kiến tương tự cũng được tìm thấy ở các siêu đô thị của châu Á như Singapore, Seoul, Đài Bắc và Tokyo (Collins & Ho, 2014; Koh & Chong, 2014).
Chiến lược toàn diện và lâu dài của các trường đại học quốc tế với các đối tác thành phố của họ ở Việt Nam chưa hiện ra rõ rệt. Tuy nhiên, các trường đại học quốc tế cũng đã quảng bá yếu tố địa phương, tính Việt Nam trong các phát biểu về tầm nhìn và chương trình cụ thể của họ.
Trong COVID-19, Đại học VinUni đã đưa ra chương trình Study Away của, dựa trên hợp tác chặt chẽ với Đại học Cornell. Chương trình này mang đến cho hơn 5.000 sinh viên quốc tế của Cornell - những người không thể quay lại trường ở Ithaca, New York - cơ hội trải nghiệm cuộc sống nội trú trong khuôn viên đẳng cấp thế giới của trường. Những sinh viên trao đổi sẽ tiếp tục tham gia các khóa học trực tuyến với các giảng viên từ Cornell. Ngoài ra, VinUni tạo ra một khóa học đặc biệt về Việt Nam để sinh viên quốc tế có thể thâm nhập vào đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội ở địa phương. Trường cũng mở rộng cửa cho những sinh viên Việt Nam đã được các trường có uy tín quốc tế nhận vào học nhưng không thể lên đường. VinUni, trong khi tuyển dụng nhiều nhân sự nước ngoài để khẳng định các tiêu chuẩn quốc tế, không bỏ lỡ cơ hội tiếp thị mình với tư cách là một trường đại học Việt Nam. Tuyên bố tầm nhìn của VinUni viết: “VinUniversity là trường đại học tư thục, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam được thành lập dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Trường tích hợp mô hình trường đại học quốc tế xuất sắc với những đặc điểm kinh tế và văn hóa đặc sắc của Việt Nam, nhằm tạo bước đột phá trong giáo dục đại học Việt Nam và trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế.”
VinUni sử dụng tiếng Anh và dành cho những người giàu có. Học phí, quyền tự chủ, và mức độ sang trọng của VinUni thể hiện ở khuôn viên ở Hà Nội là chưa từng có ở Việt Nam. Một trường đại học khác của Việt Nam có cùng tầm vóc với VinUni là Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), “trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của quốc gia” như Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. FUV, hiện được tài trợ bởi một tập đoàn phi lợi nhuận của Mỹ, cấp học bổng cho một số ít sinh viên là thuộc những nhóm thiểu số và truyền bá những câu chuyện về ý chí và tài năng của họ. FUV cũng đưa “Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại” thành một trong những khóa học nền tảng trong các chương trình cử nhân của mình. Ngoài tiếng Anh, tiếng Việt cũng được sử dụng để dạy và học. Phát triển từ chương trình do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, FUV tổ chức các chương trình đặc biệt nhằm thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao trong các cuộc thảo luận về các vấn đề chính sách và kinh tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn mà Việt Nam phải đối mặt.
Thay lời kết
Quốc tế hóa giáo dục đại học đang hướng tới gia tăng doanh thu, nâng cao xếp hạng, đạt được sự công nhận trong khu vực và quốc tế, gia tăng khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp, củng cố vị thế quốc gia, được thực hiện thông qua tăng cường các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thiết lập quan hệ đối tác về chương trình giảng dạy, đạt được các thỏa thuận về tín chỉ và bằng cấp với các tổ chức giáo dục đại học quốc tế, khuyến khích trao đổi giảng viên, tạo điều kiện cho du học sinh trở về nước, thu hút sinh viên quốc tế, v.v. Tất cả đều là các chiến lược gia tăng tính di động của các thành tố khác nhau của giáo dục đại học. Tính di động trở thành mục tiêu của giáo dục, đi kèm với nó là những chênh lệch về quyền lực để tạo ra dòng chảy, sự xói mòn cảm thức nơi chốn, các mối quan hệ cá nhân và tính vật chất khả xúc của giáo dục.
Trong khi quốc tế hóa dựa trên tính di động thúc đẩy ham muốn, khát khao để tạo ra nhiều giao dịch, quốc tế hóa dựa trên nơi chốn, đặc trưng bởi sự quan tâm chăm sóc và kết nối cộng đồng, gắn liền với những cân nhắc thực tiễn, những mối quan hệ mật thiết và thân tình. Nó có xu hướng làm chậm lại nhịp sống nhưng lại cần thiết để đời sống lành mạnh.
Quốc tế hóa theo nơi chốn không coi các năng lực cần thiết để sống và làm việc như là những chương trình trừu tượng dần dần được cài vào mỗi cá nhân thông qua giáo dục mà nhìn nhận các khả năng của con người trong tổ hợp của những mối quan hệ, mở ra trong trải nghiệm của đời sống chung với nhau. Sự quan tâm chăm sóc, sự kết nối cộng đồng có thể chỉ là những từ ngữ sáo rỗng dùng để tiếp thị và quốc tế hóa dựa trên nơi chốn đơn giản chỉ là sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản linh hoạt để khai thác đến tận cùng những cơ hội cạnh tranh, tích lũy vốn và tối đa hóa lợi nhuận. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng những từ ngữ này có tính định hướng, và người ta có thể lựa chọn một cách làm giáo dục trân trọng mối quan hệ giữa người và người, giữa người với môi trường tự nhiên, tạo ra những nơi chốn tốt lành.
* Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước (Kỳ 1):Những làn sóng từ phương Tây
Bài viết dựa trên chương sách:
Phùng, T., & Phan, L.H. (2021). Higher education in Vietnam and a new vision for internationalization at home post COVID-19. In J. Gillen, L. C. Kelley, & L. H. Phan (Eds.), Vietnam at the vanguard: New perspectives across time, space, and community (pp. 235-256). Springer International.
Tài liệu tham khảo
Collins, F. L., & Ho, K. C. (2014). Globalising higher education and cities in Asia and the Pacific. Asia Pacific Viewpoint, 55(2), 127–131.
Koh, A. & Chong, T. (2014). Education in the global city: The manufacturing of education in Singapore. Discourse: Studies in the Cultural Politics of Education, 35(5): 625-636.
Ransom, J. (2018). The city as a focus for university internationalisation: Four European examples. Compare: A Journal of Comparative and International Education, 48 (4), 665–669. doi: 10.1080/03057925.2018.1459379