#kỷ nguyên mới

Quy định rõ trách nhiệm quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bổ sung chương mới "Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm" nhằm quy định rõ trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành về công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
Quy định rõ trách nhiệm quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Ngày 8/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007. Sau 16 năm thi hành, so với thời điểm ban hành, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực hóa chất. Nhiều luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do và một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Mặt khác, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy một số quy định của Luật Hóa chất hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 4 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 89 điều (giảm 01 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành). Việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất.

Đáng chú ý, chương V "Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm" gồm 3 Điều. Đây là Chương được bổ sung mới nhằm quy định rõ trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành về công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm phải xây dựng quy trình quản lý hóa chất; trách nhiệm công bố thông tin trên Cơ sở dữ liệu hóa chất của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm. Các quy định trên được xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng, không phát sinh thủ tục hành chính.

Quy định rõ trách nhiệm quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KHCN&MT cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Ủy ban KHCN&MT thống nhất với tên gọi là Luật Hóa chất (sửa đổi); tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị đổi tên là Luật Công nghiệp hóa chất.

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, có ý kiến đề nghị làm rõ chính sách do Nhà nước ưu đãi và do Nhà nước đầu tư; có chính sách đầu tư thích đáng, chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp hóa chất; làm rõ tiêu chí cụ thể về quy mô nguồn vốn, tiến độ giải ngân quy định trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định. 

Đồng thời đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Về phát triển công nghiệp hóa chất, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 6 Điều là chưa đầy đủ để phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các nội dung về: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thương mại và thị trường; nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ; nhân lực khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với việc vận chuyển hóa chất, tồn trữ hóa chất, có ý kiến cho rằng việc quản lý hóa chất theo vòng đời chưa thực sự được quy định rõ trong dự thảo Luật; cần nghiên cứu, đánh giá việc phân loại hóa chất quản lý để có hướng tiếp cận mới về quản lý cho phù hợp.

Do đó, Ủy ban KHCN&MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.

Về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa (Chương V), Ủy ban KHCN&MT đề nghị làm rõ chức năng của cơ quan liên quan như các bộ: Công Thương, Y tế, NN&PTNT liên quan đến quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất; nghiên cứu, thể hiện lại các quy định cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đối với quản lý nhà nước về hóa chất, Ủy ban KHCN&MT đề nghị rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết...