Trong báo cáo mới nhất về lĩnh vực năng lượng tái tạo, IEA cho biết, công suất điện tái tạo được lắp đặt mới dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 290 gigawatt (GW) trong năm nay. Và trong 5 năm tới, công suất điện tái tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng 60% so với năm 2020, lên 4.800 GW. Con số này tương đương tổng công suất toàn cầu hiện tại của nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân cộng lại.
IEA dự báo, năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 95% lượng công suất điện gia tăng trên toàn cầu từ nay đến năm 2026, và lượng công suất điện tái tạo được bổ sung trong giai đoạn 2021-2026 dự kiến sẽ cao hơn 50% so với giai đoạn 2015-2020.
Trung Quốc vẫn dẫn đầu toàn cầu về lượng công suất gia tăng. Bốn thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ chiếm tổng cộng 80% công suất năng lượng tái tạo gia tăng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, IEA lưu ý, "ngay cả tốc độ tăng trưởng này vẫn thiếu hụt so với mức cần thiết để đạt được phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ" - mục tiêu mà nhiều quốc gia đặt ra nhằm giữ cho nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C hoặc 2 độ C theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
IEA cho biết, để đạt được mục tiêu này, công suất điện tái tạo sẽ phải tăng nhanh gần gấp đôi so với dự kiến, và các chính phủ có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo bằng cách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện cho phép năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện.
Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết: "Giá vật tư và vận chuyển cao mà chúng ta đang thấy ngày nay đặt ra những thách thức mới cho ngành công nghiệp tái tạo, nhưng đồng thời, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao cũng khiến năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn."