Dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm phát lộ những khiếm khuyết tiềm ẩn trong các nền kinh tế. Theo đó, dòng chảy thương mại toàn cầu đang đi qua một khúc quanh lớn và chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái sắp xếp cho một môi trường kinh tế bình thường mới của thế giới tác động do dịch Covid-19 cũng đã chứng minh thương mại điện tử là điều kiện tất yếu để giúp các doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Để thích ứng với kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, doanh nghiệp cần phải thay đổi, phải tính đến phương án số hóa các hoạt động của mình, nếu như không muốn bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã sớm quan tâm đến thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, coi đây một trong những giải pháp sẵn sàng “sống chung với dịch”, thực hiện mục tiêu kép. Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa được Bộ Chính trị ban hành đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số.
Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu vừa qua, trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ quan điểm và nhấn mạnh yêu cầu: các nền kinh tế cần tận dụng cơ hội phòng, chống dịch Covid-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng cho biết, là nền kinh tế phát triển năng động trong ASEAN, có mạng lưới 17 Hiệp định Thương mại tự do với 60 đối tác; có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ số... tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam là hết sức to lớn. Hiện, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ số cao nhất thế giới.
Trên cơ sở các lợi thế đó, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định chuyển đổi số là việc cần làm lúc này, bởi đây là giải pháp để doanh nghiệp phát triển trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Sẽ không có giải pháp nào làm thước đo cho từng doanh nghiệp, song với chuyển đổi số thì tất cả doanh nghiệp đều có thể thực hiện, tùy từng phạm vi, quy mô doanh nghiệp để lựa chọn mô hình số hóa thích hợp.
Do tính chất lây nhiễm cao của Covid-19 và tính tiện lợi từ việc giao - đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Ngay cả những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, logistics cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị.
Vì vậy, thương mại điện tử được đánh giá là ngành kinh tế không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn bứt phá mạnh mẽ, đóng góp vào “kỳ tích” tăng trưởng dương của nền kinh tế Việt Nam; góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trước đại dịch Covid-19.