Trong bối cảnh nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước, tình hình sản xuất và kinh doanh thép ngày càng khó khăn với hàng loạt thông tin cắt giảm sản lượng.
Mới đây, Formosa Hà Tĩnh vừa thông tin về việc sẽ dần dần giảm sản lượng. Cụ thể, giai đoạn đầu, nhà máy thép này sẽ cắt giảm 15% sản lượng để ổn định giá thép tại thị trường Việt Nam.
Đồng thời, đến trước ngày 15/11, Formosa Hà Tĩnh cũng sẽ thông báo giá bán mới cho tháng 12 và có thể quan sát thông báo giá mới từ ông lớn Baosteel hoặc các nhà máy châu Á khác.
Được biết, động thái cắt giảm quy mô sản xuất là do Formosa Hà Tĩnh phải chịu tác động bởi tình trạng dư cung thép và đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC từ Mỹ và châu Âu thấp khiến sản lượng xuất khẩu không còn cao như dự kiến, buộc công ty đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng.
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh của Công ty FHS trước đó, dự kiến theo lộ trình từ năm 2021-2025, Formosa Hà Tĩnh sẽ đầu tư xây dựng lò cao số 3 nâng tổng công suất nhà máy thép lên 10,4 triệu tấn thép/năm.
Tới giai đoạn 2026-2035 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Lò cao số 4 nâng tổng công suất đạt khoảng 14,8 triệu tấn/năm.
Trên thực tế, không chỉ riêng Formosa mà thời gian gần đây, không ít nhà sản xuất thép khác cũng đã và đang tiến hành cắt giảm công suất.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát cũng thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022.
Ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất, tức từ nay đến cuối năm, Hòa Phát có thể có 5 lò cao dừng hoạt động.
Trong khi đó, Pomina cũng phải dừng hoạt động một lò cao và giảm bớt nhân viên trong bối cảnh vừa trải qua quý lỗ nặng. Tương tự, Thép Miền Nam – VNSTEEL cũng quyết định tiết giảm sản xuất trong quý 4/2022, đồng thời cho người lao động nghỉ luân phiên.