Sau Pomina, tới lượt Hòa Phát thông báo dừng hoạt động 4 lò cao

Thiên An

09/11/2022 09:19

Theo dõi trên

Trong bối cảnh thị trường thép khó khăn, hàng tồn kho còn nhiều, Hòa Phát quyết định dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất, 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022.

CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất vừa có thông báo gửi các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động một số lò cao tại Hòa Phát Dung Quất và Hòa Phát Hải Dương.

Cụ thể, kể từ tháng 11/2022, 2 lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Hải Dương sẽ dừng hoạt động.

Theo văn bản, ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát có khả năng sẽ tạm dừng thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất.

image-20221108130711-1-1667960089.jpeg

Sau hãng Thép Pomina, tới lượt Hòa Phát thông báo dừng hoạt động 4 lò cao

Phía Hòa Phát cho biết, lý do dừng hoạt động lò cao được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì. Động thái này được Hòa Phát nhận định "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Việc dừng hoạt động lò cao là một quyết định không dễ dàng với bất kỳ nhà sản xuất thép nào. Theo Hòa Phát, chi phí để khởi động lại lò cao sau khi tạm dừng hoạt động là khoảng 30-40 tỷ đồng/lò và mất khoảng 5-7 ngày để lò hoạt động bình thường trở lại.

Được biết, hiện Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.

Về tình hình sản xuất, trong tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp này đã sản xuất 567.000 tấn thép thô, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 492.000 tấn, giảm 42%. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, giảm 55% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng HRC đạt 267.000 tấn, tăng 30% so với năm trước.

Tính đến cuối quý 3/2022, tồn kho của Hòa Phát vẫn ở mức khá cao, ở mức 44.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tồn kho thành phẩm là khoảng 14.700 tỷ đồng và tồn kho nguyên vật liệu là hơn 18.800 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,7% và giảm 5,5% so với hồi đầu năm. Do đó, có thể thấy việc giảm công suất để tập trung giải phóng hàng tồn là phương án hợp lý.

Trước Hòa Phát, Công ty CP Thép Pomina (Mã: POM) cũng thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 và đồng thời phải cắt giảm một số nhận sự để đảm bảo tình hình khi doanh.

Phía Thép Pomina cho biết, lý do buộc phải dừng hoạt động lò cao là bởi ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.

Trên thực tế, tình trạng đóng cửa lò cao đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Pomina và Hòa Phát. Vào tháng 9/2022, ArcelorMittal - hãng thép lớn nhất châu Âu, đã ngừng hoạt động sản xuất lò cao 3 ở Ba Lan. Tương tự, nhà máy Aperam của Bỉ, Acrinox của Tây Ban Nha, US Steel ở Mỹ cũng ngừng hoạt động.

Bạn đang đọc bài viết "Sau Pomina, tới lượt Hòa Phát thông báo dừng hoạt động 4 lò cao" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com