Trong hội nghị Tổng kết các Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia diễn ra vào ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ “Bộ KH&CN đã ý thức được những điểm hạn chế trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy trong quá trình tái cơ cấu các chương trình, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác hoàn thiện thể chế, các thông tư hướng dẫn để cải cách và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp tham gia và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý từ các khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và đánh giá nghiệm thu để hoạt động của các chương trình ngày càng hiệu quả hơn”.
Vậy chúng ta có thể trông đợi vào những thay đổi nào trong giai đoạn tới đây?
Những tiêu chí “cũ mà mới”
Một trong những nét nổi bật ở các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn tới 2021-2025, hướng tới 2030 là nguyên tắc “chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN, cho biết khi nói về vấn đề tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia.
Thực tế, vấn đề này không phải mới tuy nhiên, điều đáng chú ý nằm ở chỗ, đây là lần đầu nguyên tắc này “được Thủ tướng ghi nhận và truyền đạt trong một văn bản chính thống về cách thức quản lý chương trình giai đoạn tới”, ông Nguyễn Nam Hải cho biết. “Nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng thành công, mà ngay cả một nghiên cứu nếu thất bại thì chính bài học rút ra từ câu hỏi vì sao thất bại, vì sao không ra được kết quả cũng có đóng góp giá trị khoa học để phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo. Do đó, nguyên tắc này cần phải được thể hiện, và để triển khai nguyên tắc này đòi hỏi phải có những thay đổi trong các quy định về quản lý các chương trình nhiệm vụ trong giai đoạn tới”.
Đây là điều mà nhiều nhà khoa học đều đồng tình. Từ góc độ của một nhà nghiên cứu và cũng là thành viên của ban chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” (KC.02/16-20), GS.TS Nguyễn Việt Bắc nhấn mạnh, “Nếu chúng ta chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định thì sẽ có khả năng thành công cao hơn rất nhiều, còn nếu chúng ta bắt buộc 100% phải ra kết quả thì sẽ có nguy cơ các chủ nhiệm đề tài tìm cách ‘lách’ một chút [để đáp ứng yêu cầu]”.
Một điểm “mới” khác liên quan đến cơ chế tài chính trong chương trình KH&CN giai đoạn tới mà cũng là điều đã được nhiều nhà khoa học mong mỏi từ lâu, đó là việc chương trình sẽ “đẩy mạnh hơn nữa cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, và áp dụng nguyên tắc hậu kiểm ở trong mọi giai đoạn quản lý”, ông Nguyễn Nam Hải nói.
Thực tế, Thông tư liên tịch quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC) và Thông tư liên tịch hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN) đã được liên Bộ Tài chính, Bộ KH&CN ký ban hành từ năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chương trình KH&CN, “một số quy định chưa rõ ràng trong các thông tư này đã làm cho việc vận dụng vào thực tế chưa thông suốt từ trung ương đến các cơ quan chủ trì”, báo cáo tổng kết của chương trình cho biết. GS.TS Nguyễn Việt Bắc dẫn ví dụ, “Thông tư liên tịch số 55 về định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đã gây không ít khó khăn cho các chủ nhiệm đề tài khi phải lập dự toán công lao động với các số rất lẻ theo số ngày công, hệ số tiền công theo ngày và chức danh nghiên cứu”.
Rút kinh nghiệm từ những gì đã diễn ra kể từ ngày Thông tư chính thức có hiệu lực, “Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi hai văn bản về định mức, cơ chế khoán chi này, và một trong những ý tưởng chúng tôi đang bàn là: với từng loại hình nhiệm vụ nghiên cứu trong các chương trình thì sẽ đặt ra một định mức trần tỷ lệ chi thù lao trong tổng dự toán, và chi phí tính công thì lại thuộc vào kinh phí được cơ chế khoán. Đồng thời, các điều kiện thực hiện khoán đến sản phẩm cuối cùng cũng sẽ được nới rộng; cũng như để cho tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ tự quyết định hình thức mua sắm đối với nội dung khoán”, ông Nguyễn Nam Hải cho biết. “Nếu Bộ KH&CN phối hợp các bộ, ngành triển khai rốt ráo và kỹ lưỡng trong giai đoạn tới thì sẽ tháo gỡ được nhiều nút thắt trong việc triển khai các chương trình nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, để việc triển khai một cách hiệu quả các chương trình thì đi kèm với những sự cởi mở, thông thoáng trong quản lý, trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN cũng sẽ có khung KPI đánh giá hiệu quả của chương trình để lượng hóa phần nào kết quả từ các đề tài, nhiệm vụ. “Số lượng công bố quốc tế chắc chắn phải gia tăng so với giai đoạn trước, còn công bố trong nước cũng phải được quy tụ vào một chuẩn mực, ví dụ như công bố trên các tạp chí khoa học và được tính điểm hội đồng giáo sư ngành, liên ngành. Bên cạnh đó cũng sẽ có những chỉ số về số lượng đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; hỗ trợ đào tạo sau đại học. Đặc biệt là với những chương trình gắn với vấn đề đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ phải quan tâm đến hiệu quả trong việc góp phần hình thành các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, hoặc phải nắm được kết quả tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa,...”, ông Nguyễn Nam Hải nói thêm.
Đã hết vướng mắc?
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề lớn khiến nhiều nhà khoa học “đau đầu” trong giai đoạn vừa qua là việc xử lý các tài sản hình thành trong quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định được ban hành nhằm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên như Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, cũng như các văn bản hướng dẫn như Thông tư số 63/2018/TT-BTC, số 02/2020/TT-BKHCN, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Chẳng hạn, các văn bản này còn có hạn chế ở khâu thẩm định giá trị tài sản hình thành, đồng thời chưa có quy định đối với việc xử lý tài sản có giá trị nhưng chưa đủ điều kiện là tài sản cố định (như các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản,...). Đây là điều mà nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã thấm thía. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công Nghệ và Môi Trường (Bộ NN&PTNT), “trước kia Bộ NN&PTNT có rất nhiều sản phẩm chuyển giao. Tuy nhiên, khi đụng đến Nghị định 70 thì rất vướng mắc. Hiện nay các nhà khoa học, các tổ chức KHCN đang rất ngại, không dám ký kết các văn bản chuyển giao vì nó liên quan đến tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước”.
Vấn đề này cũng dẫn đến vướng mắc nữa trong việc liên kết và đối ứng với doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến hợp tác công tư. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho hay, “hiện nay ngành nông nghiệp có đội ngũ KH&CN rất lớn, các tổ chức KH&CN xuyên suốt từ Bắc xuống Nam, được đầu tư bài bản và có cơ sở vật chất tốt. Thế nhưng, nếu chỉ có một mình viện, trường đi độc lập thì sẽ không khai thác được hiệu quả đầu tư, do đó rất nhiều lần chúng tôi cũng đã mời doanh nghiệp và trao đổi để làm sao xây dựng được những đề án hợp tác công - tư giữa viện trường, giữa tổ chức KH&CN công lập và doanh nghiệp nhưng luôn luôn vướng Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các tài sản liên quan hình thành từ ngân sách nhà nước và được đầu tư công”, bà cho biết.
Ban chủ nhiệm các chương trình KH&CN quốc gia không né tránh chuyện này. Trong báo cáo tổng kết, Ban chủ nhiệm thừa nhận “việc xử lý tài sản còn đang khó khăn do các văn bản liên quan đến xử lý tài sản còn chưa hoàn thiện”.
Từng đón nhận những đề xuất như vậy từ trước hội nghị, ông Nguyễn Nam Hải cho biết, cái khó trong việc sửa nghị định này là cần đi kèm với việc “cần sửa Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 - một vấn đề còn phức tạp hơn nữa”. Do đó, trong giai đoạn này, “Bộ KH&CN đang nghiên cứu xây dựng trước tiên một cơ chế thí điểm đặc thù, và từ cơ chế thí điểm này thì kết quả của nó có thể minh chứng cho các đề xuất sửa đổi các văn bản sau đó”.
Hiện nay, chương trình chưa có các đề xuất nhiệm vụ lớn do nhà nước đặt hàng hoặc do nhu cầu bức thiết của xã hội cần triển khai ở quy mô lớn; đồng thời chưa có sự gắn kết giữa các nhiệm vụ thuộc các chương trình khác nhau trong hệ thống các chương trình trọng điểm của Bộ KH&CN cũng như các chương trình trọng điểm do các bộ, ngành khác quản lý. Do đó, đối với nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cần lấy mục tiêu triển khai ứng dụng làm trọng tâm. Cần tăng tỷ lệ các nhiệm vụ được đề xuất từ các bộ, ngành và xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện đối với một số đề tài, dự án cần được bố trị dài hơn đủ để có thể giải quyết dứt điểm và trọn vẹn một vấn đề từ nghiên cứu đến thử nghiệm và triển khai vào sản xuất. Nên hạn chế thực hiện các đề tài, dự án dưới hai năm. Đối với nghiên cứu vật liệu tiên tiến, thuộc lĩnh vực công nghệ cao cần có giai đoạn giải mã công nghệ.
GS.TS Nguyễn Việt Bắc
Ban chủ nhiệm chương trình KC.02/16-20