Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST giai đoạn 2021-2030 là quan điểm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm”. Mặc dù được nhắc đến rất nhiều trong vài ba năm gần đây nhưng đây là lần đầu tiên nó xuất hiện trong một dự thảo Chiến lược, qua đó thể hiện quyết tâm của ngành KH&CN là tăng cường tỉ lệ đóng góp của KH&CN trong các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. “Việt Nam cần làm ra những sản phẩm công nghiệp thực sự có chất lượng và tiện dụng không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà còn đủ sức cạnh tranh ngay với hàng ngoại trên chính thị trường nội địa cho hơn 90 triệu người tiêu dùng”, một đại biểu cho biết bên lề hội nghị Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2020.
Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược diễn ra tại Huế vào ngày 20/11/2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng cho biết “Trong dự thảo Chiến lược này, nội dung chủ yếu sẽ xoay quanh việc hình thành một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu còn doanh nghiệp là trung tâm”.
Theo các nhà soạn thảo, ý tưởng lấy doanh nghiệp làm trung tâm không phải là việc đưa cái mới một cách khiên cưỡng vào một văn bản quan trọng với sự phát triển của một nền khoa học trong vòng 10 năm tới mà dựa trên xu thế diễn ra trên thực tế. Trong báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020” do của Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia tư vấn thực hiện cũng đề cập đến việc doanh nghiệp là chủ thể chính sử dụng tri thức mới. Nhắc đến báo cáo mới ra mắt này, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ thông tin “báo cáo đã chỉ ra các đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế xã hội, đặc biệt là đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đóng góp vào 3% trong số khoảng hơn 6% trong tăng trưởng GDP giai đoạn năm năm vừa rồi. Đấy là minh chứng rõ ràng cho việc chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Nhưng cần những chính sách gì để doanh nghiệp thực sự là trung tâm?
Dịch chuyển trong định hướng phát triển và đầu tư
Nhìn thấy tương lai của một Việt Nam phát triển dựa trên nội lực và sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, hầu hết các đại biểu ở Huế đều đồng thuận với quan điểm mới làm trung tâm của dự thảo Chiến lược. Tuy nhiên, với góc nhìn của các nhà nghiên cứu trong trường đại học, họ bày tỏ mong muốn có được các chính sách đầu tư cần thiết để thúc đẩy và hỗ trợ trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia này. Chính sách ấy cũng cần tạo điều kiện cho các trường đại học và các viện nghiên cứu trong trường đại học tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ấy một cách thực chất và đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tuy không phải là nhân tố chính nhưng đội ngũ nhân lực với tri thức mới trong các trường đại học sẽ cùng doanh nghiệp giải bài toán của họ.
Cũng giống như quan điểm của trường Đại học Thái Nguyên trong cuộc họp về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức KH&CN công lập, đại diện của trường Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc có những chính sách mới hết sức cần thiết bởi thực tế cho thấy “nhiều nhà khoa học lớn, đầu đàn đều đang làm việc trong các trường đại học. Vì vậy tôi cho rằng cần làm thế nào đó để các trường đại học có thể tham gia sâu hơn vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Tuy theo nhận xét của báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020” là Việt Nam nên cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp “đường biên công nghệ” - thông qua việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép ra công nghệ mới thông qua hoạt động phát minh sáng chế nhưng có một thực tế là năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là 98% doanh nghiệp Việt Nam là ở quy mô vừa và nhỏ, kinh phí đầu tư cho R&D còn thấp. Do đó, doanh nghiệp không thể tự làm chủ công nghệ mà họ được chuyển giao, họ cần có sự tiếp sức của các nhà khoa học.
Để quá trình này diễn ra một cách thuận lợi, các chính sách cần phải tạo những đường biên thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, giảng viên trong trường đại học tham gia với doanh nghiệp trong quá trình hấp thụ công nghệ. Giáo sư Nguyễn Hoàng Lộc, một nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học hàng đầu trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, nhấn mạnh đến quan điểm này. “Chúng ta phải có cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp tiếp cận với các trường đại học, thậm chí tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các trường để họ có thể nghiên cứu giải quyết một vấn đề cụ thể của doanh nghiệp”, ông nói, đồng thời nhắc đến một tồn tại “biết rồi khổ lắm nói mãi”: “Các thầy, cô ở các trường hoặc các viện nghiên cứu những vấn đề mà nhiều khi doanh nghiệp không có nhu cầu. Và sau rồi nghiên cứu đạt kết quả có tốt nhưng doanh nghiệp lại không sử dụng được”. Do đó, hậu quả là “nhiều khi doanh nghiệp không dùng công nghệ của Việt Nam. Nếu có dùng công nghệ của Việt Nam thì nhiều khi chất lượng hàng hóa và chất lượng sản phẩm không được cao lắm. Người ta vẫn ưa nhập công nghệ có sẵn thương hiệu ở nước ngoài về. Cho nên, nhiều thầy cô làm nghiên cứu xong rồi cũng không biết chuyển giao công nghệ cho ai cả, vì doanh nghiệp họ có nhu cầu đâu”.
Mô hình tam giác tri thức bị nghẽn lại nên Chiến lược mới cần thêm nội dung để tạo điều kiện khơi thông mạch nguồn và tận dụng được nguồn chất xám có sẵn trong các trường đại học, giáo sư Nguyễn Hoàng Lộc đề xuất. PGS. TS Nguyễn Văn Toàn, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Đại học Huế, đồng thuận với ý tưởng này bởi theo phân tích của ông “trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không có một cơ chế nào đó, một quy định nào đó để các doanh nghiệp trích kinh phí đầu tư cho khoa học hoặc đầu tư cùng các trường đại học thì khó để doanh nghiệp tự nguyện làm, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đi từ khai thác tài nguyên, làm ra ‘lợi nhuận’ không từ năng suất lao động”. Ông dẫn ra một vài doanh nghiệp hiện nay đã mạnh dạn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng phát triển trường đại học, viện nghiên cứu như tập đoàn Vingroup, Phenikaa… nhưng đây là những ví dụ rất hiếm hoi. Do đó, ông kỳ vọng chính sách mới sẽ giúp các doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò của các trường, viện trong sự phát triển của mình.
Đối mới sáng tạo không thể đơn độc
Trong cuộc ra mắt ba báo cáo “Đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á - Yêu cầu cấp thiết”, “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế” và “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020”, các chuyên gia quốc tế đều lưu ý đến nội hàm của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp: ngoài đổi mới về công nghệ còn có đổi mới phi công nghệ. Trong rất nhiều trường hợp, việc tiếp nhận một công nghệ mới, một dây chuyền sản xuất mới lại không đi kèm với việc đổi mới phương thức quản lý hay mô hình sản xuất sẽ làm ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả của công nghệ mới. Hoặc trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp chỉ cần thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản lý… đã đem lại năng suất và chất lượng sản phẩm. Đó chính là việc hiểu đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo định nghĩa rộng hơn.
Dẫu thế, trên con đường phát triển lâu dài của mình, Việt Nam cũng sẽ vẫn cần năng lực KH&CN. Đó là con đường mà mọi quốc gia phát triển đều phải đi và dựa vào đó để phát triển. Cũng giống như câu chuyện lưới điện thông minh và những thuật toán có thể giúp hỗ trợ việc vận hành hệ thống điện chống thất thoát điện và tăng hiệu quả sử dụng hơn, tuy nhiên những thuật toán lại không làm ra điện. Do đó, để có được sự bền vững trong phát triển, thì năng lực KH&CN của một quốc gia, đặc biệt là khoa học cơ bản, vẫn là yếu tố cốt lõi.
Bài học từ sự phát triển của Hàn Quốc hay Trung Quốc cho thấy điều đó. Ban đầu, cả hai quốc gia đều dành rất nhiều đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng và làm ra sản phẩm ứng dụng để đất nước có thể tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh lớn. Nhưng như cái mỏ khai thác mãi cũng cạn, đến một lúc nào đó, tốc độ đổi mới của họ bị chững lại. Khi đánh giá vấn đề, họ nhận ra rằng, việc đầu tư vào khoa học cơ bản, tuy không thể tạo ra sản phẩm ngay nhưng lại làm gia tăng tiềm lực KH&CN, và hơn nữa là đem lại rất nhiều gợi ý cho ứng dụng và tiến tới là phát minh, sáng chế. Đó là lý do vì sao vài năm trở lại đây, họ tăng tỉ lệ đầu tư trở lại cho khoa học cơ bản và khuyến khích các nhóm nghiên cứu nhỏ nộp hồ sơ xin đề xuất tài trợ.
Trong cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp, các nhà nghiên cứu và giảng viên các trường đại học Huế và Đà Nẵng cùng chung quan điểm đó: tuy nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhưng chiến lược vẫn cần chú trọng đến khoa học cơ bản bởi nó mang ý nghĩa duy trì và phát triển đội ngũ KH&CN, đồng thời đào tạo ra nguồn nhân lực có tri thức để làm việc trong các doanh nghiệp. PGS.TS Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, nhắc lại phát biểu mới đây của mình ở phiên họp tổng kết chương trình phát triển vật lý là “vài năm nữa không có đội ngũ trẻ tham gia chương trình này. Ba, bốn năm nay số lượng sinh viên các ngành khoa học cơ bản như toán, lý của chúng tôi không đảm bảo được số lượng mà muốn phát triển đội ngũ thạc sĩ, nghiên cứu thì lại cần sinh viên”.
Do đó ông đề nghị cần có định hướng rõ ràng như “đặt hàng” hoặc chính sách ưu tiên như học bổng, cấp thêm kinh phí đào tạo... Nếu không có những giải pháp như thế này trong một số trường đại học lớn thì “đến lúc nào đó, ta quay trở lại cũng không kịp vì không ai nào muốn vào các ngành toán, lý, hóa vì đều chọn những ngành dễ xin việc làm hoặc những ngành dễ làm ra tiền nhanh hơn”, PGS. TS Nguyễn Văn Toàn bổ sung.
Trong trăn trở của những người làm khoa học và giảng dạy trong những trường đại học ở miền Trung, nơi vẫn luôn “san sẻ” nguồn nhân lực cho các trung tâm KH&CN lớn của đất nước, người ta thấy bóng dáng của mơ ước về một chính sách giúp họ để vươn lên đóng vai trò lớn hơn trong sự phát triển kinh tế xã hội của vùng. Tuy không có cây đũa thần nào hiệu nghiệm để sau một đêm, các khoa về khoa học cơ bản của Đại học Huế đón nhận hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng họ có thể thấy những cơ hội mới mà các giải pháp nêu trong dự thảo chiến lược nêu rõ, đặc biệt là giải pháp “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh” với mục tiêu để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Triển khai hiệu quả việc kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ giúp giải quyết nghịch lý: trường viện tạo ra các tri thức mới nhưng lại không giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp vì sản phẩm của chúng ta hơi xa vấn đề mà doanh nghiệp cần.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy