Trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB) SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gần đây, trên 90% vốn cổ phần của Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, bà Lan không thể sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khi là cổ đông cá nhân; cổ đông và người có liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để giật dây, thao túng, điều hành và biến SCB thành công cụ tài chính, bà Trương Mỹ Lan nhờ những cá nhân có liên liên quan như nhân viên trong công ty, họ hàng, người thân thích, quen biết đứng tên hộ cổ phần. Từ đó, Ngân hàng SCB bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, nhóm lợi ích có mối quan hệ mật thiết với nhau, đây là điều kiện để nhóm lợi ích này này có thể lũng đoạn và thao túng hoạt động của ngân hàng SCB.
Một ví dụ điển hình khác về sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng là vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với thủ đoạn hoạt động phạm tội rất tinh vi, liên quan đến nhiều đối tượng giữ vị trí quan trọng của Ngân hàng nên mức độ ảnh hưởng của vụ án rất rộng, được dư luận đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống Ngân hàng, tài chính Việt Nam thời điểm đó. Bị can Nguyễn Đức Kiên là người có hiểu biết sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã lợi dụng những sơ hở thiếu sót của pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng, quy định về cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời điểm... để thực hiện các hành vi phạm tội. Nguyễn Đức Kiên đã thành lập nhiều công ty nhưng không tổ chức hoạt động kinh doanh theo đúng chức năng kinh doanh đã được đăng ký và được cấp phép mà chủ yếu là làm thủ tục để phát hành trái phiếu rồi dùng sức ảnh hưởng của bản thân, ép bán cho ngân hàng, sau đó lấy tiền đầu tư vào các Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) khác nhằm gia tăng số cổ phiếu, cổ phần của cá nhân và người thân trong gia đình tại nhiều ngân hàng TMCP khác, mục đích để thực hiện việc thâu tóm, thao túng và có thể chỉ đạo nhiều Ngân hàng TMCP. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước. Ngoài ra, có thể kể đến một số đại án về ngân hàng mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc một nhóm lợi ích thao túng, sở hữu chéo, chi phối các tổ chức tín dụng như vụ án Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (CBBank) hay vụ án Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQG Ngân hàng Đại dương (Oceanbank).
Thực tế cho thấy hàng loạt các vụ đại án ngân hàng xảy ra trong những năm gần đây đều có liên quan đến hành vi sở hữu chéo, thao túng và rút ruột ngân hàng, phục vụ cho lợi ích của nhóm cổ đông chi phối, ví dụ như các vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB)…
Nếu những hành vi vi phạm hoạt động sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng kéo dài, khi đó sẽ tạo ra ngân hàng như SCB trong tương lai, sẽ dẫn đến không đảm bảo môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm suy giảm động lực phát triển kinh tế, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính, môi trường đầu tư và cả nền kinh tế Việt Nam.
Vậy có thể hiểu sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng là gì? Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng là việc các ngân hàng (thực tế là các cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần của các ngân hàng), doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Theo phân loại của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện có 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau, gồm: (1) Sở hữu của các ngân hàng trong nước và nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; (2) là cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước; (3) cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ; (4) sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước tại các NHTM cổ phần; (5) sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần; (6) sở hữu ngân hàng cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. Trong đó nhóm 4, 5 và 6 được coi là tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm với nhiều hành vi nguy hiểm bằng các thủ đoạn tinh vi.
Thứ nhất, sở hữu chéo bị các đối tượng lợi dụng để tăng vốn ảo của các ngân hàng. Ví dụ: Bằng sở hữu chéo, ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B sau đó thông qua trung gian đầu tư vào ngân hàng A và ngược lại, tạo nên vốn ảo để các ngân hàng điều kiện tiếp tục hoạt động. Điều này dẫn đến đánh giá sai lệch thực trạng hoạt động của các ngân hàng, sai lầm trong việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, sở hữu chéo dẫn đến việc cho vay trái quy định pháp luật. Khi một cá nhân (doanh nghiệp, ngân hàng) là cổ đông lớn của ngân hàng, người này có thể tạo sức ép để ngân hàng cấp vốn cho ngân hàng hay doanh nghiệp của mình. Hay nói các khác, khi một tổ chức tín dụng lớn chiếm cổ phần chi phối ngân hàng khác và biến ngân hàng này thành “sân sau” của mình, họ có thể buộc ngân hàng bị chi phối cấp tín dụng cho những dự án rủi ro, không đủ điền kiện cấp tín dụng, đảo nợ hoặc cho các cá nhân, doanh nghiệp có quan hệ thân thiết để phục vụ lợi ích cá nhân. Ngân hàng chấp thuận cấp tín dụng với điều kiện rất ưu đãi như giảm lãi suất, bỏ qua những yếu kém trong lĩnh vực tài chính và chấp nhận tài sản bảo đảm không đủ tiêu chuẩn. Các quyết định cho vay không được thẩm định một cách khách quan, thiếu minh bạch, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để cho vay nhiều hơn.
Thứ ba, sở hữu chéo làm cho các quy định về giới hạn tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước bị sai lệch. Khi khách hàng doanh nghiệp không trả được nợ cho ngân hàng, thay vì xếp khoản vay thành nợ xấu và trích dự phòng rủi ro theo quy định, ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B (ngân hàng A có sở hữu) cho vay để đảo nợ. Đây cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước khó nắm được chính xác số nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng; dẫn tới chính sách điều hành nền kinh tế, tài chính có thể bị ảnh hưởng.
Tại thời điểm hiện nay, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực ngày 1/7/2024) đã đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát, siết chặt tình hình sở hữu chéo. Cụ thể như sau:
- Giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành là 5% nhưng ngân hàng phải công bố thông tin các cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan. Theo đó, cổ đông sở hữu trên 1% phải cung cấp một số thông tin về họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức, ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; thông tin về người có liên quan theo quy định; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại tổ chức tín dụng đó; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
- Tỷ lệ sở hữu của một cổ đông tổ chức giảm xuống còn 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm xuống còn 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, tỷ lệ này trước đây theo quy định cũ lần lượt là 15% và 20%.
- Quy định về việc không cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân hay không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho một số tổ chức, cá nhân tại Điều 134, 135. Việc hạn chế, khoanh vùng các đối tượng này góp phần hạn chế việc thao túng ngân hàng.
Trong thời gian tới, để hạn chế, siết chặt tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng ở Việt Nam; chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
- Thứ nhất, cần xác định rõ việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 chỉ là một điều kiện cần để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng. Mặc dù đã có quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân không vượt quá 5%, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc như tại ngân hàng ACB, Oceanbank, SCB… Do vậy, ngoài việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần còn cần có sự giám sát chặt chẽ từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, cần xây dựng một hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực, phải thiết kế, tổ chức một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập, cũng có thể nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước để phòng ngừa được từ xa, phòng ngừa các rủi ro.
- Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng các văn bản dưới luật, xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
- Thứ ba, việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ ngành, trong khi đối tượng quản lý của Ngân hàng Nhà nước chỉ là các tổ chức tín dụng nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát. Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo; sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Do đó, việc ngăn chặn sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
- Thứ tư, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro. Đối với trường hợp có dấu hiệu của tội phạm, xem xét chuyển cơ quan điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro, ngăn chặn kịp thời, đảm bảo tính răn đe của pháp luật...
Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo; sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Do đó, việc ngăn chặn sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.