Thủ tướng:

Tập trung gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng lưu ý tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.

Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

thu-tuong-1728354109.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Khái quát nhiều biến động, thách thức ở cả trong nước và quốc tế, Thủ tướng lưu ý nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đặc biệt, cơn bão số 3 gây hậu quả nặng nề tại các địa phương phía bắc.

Trong bối cảnh đó, theo Thủ tướng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực. 9 tháng năm 2024 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết lĩnh vực.

Song bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế do tình hình kinh tế thế giới còn bấp bênh, hậu quả bão số 3 nặng nề, những vướng mắc, quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính còn rào cản…

Lưu ý nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV còn rất nặng nề, Thủ tướng nhấn mạnh phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.

Cần nỗ lực hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong đó mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.