Đưa ra ý kiến thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng Chính phủ, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch COVID-19…
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội cho thấy, cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Bộ LĐTBXH.
Thảo luận tại Phiên họp các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Do đó cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.
Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là Bộ LĐTBXH với tinh thần làm ngày làm đêm, Bộ đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Nói về BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam thực hiện BHXH từ năm 1995, nhưng so với thế giới vẫn “còn non trẻ”, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ về Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội thì điều đó rất rõ. “Hiện nay trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm, còn chúng ta có 8 – thiếu Bảo hiểm gia đình”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm: “Đáng mừng là 8 loại hình bảo hiểm này trong những năm qua phát triển tương đối tốt”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, “lo” nhất là 3 nhóm bảo hiểm: Hưu trí tử tuất, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, “nhưng đến nay phát triển tương đối đồng bộ, và có hiệu quả. Tất cả các loại hình này cho đến nay, nhìn tổng thể, không những giải quyết được các chính sách theo quy định nhất định, mà còn có “kết dư tương đối tốt”.
Nêu lại câu chuyện vài năm trước đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, dư luận lo lắng vấn đề an toàn quỹ, nhiều người nói “vỡ Quỹ”, rồi “chuyện A, chuyện B” liên quan đến Quỹ…, thông tin rất nhiều chiều, “nhưng đến giờ khẳng định các Quỹ chúng ta bền vững”. “Thậm chí, gần đây còn dành một lượng tiền rất lớn kết dư để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhưng trên cơ sở cam kết đảm bảo tính bền vững tối thiểu gấp 2 lần so với tổng chi của năm liền kề, để đảm bảo theo quy định pháp luật”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước hết, đó là Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ). Bốn tháng qua, chịu tác động của đại dịch, đời sống người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề mọi mặt, do Quỹ Bảo hiểm hoạt động tương đối hiệu quả, tích lũy, do đó chúng ta mới quyết định được 2 chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sự dụng lao động theo Nghị quyết 68.
“Đặc biệt, mới đây nhất là Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Nghị quyết 116 của Chính phủ vừa ban hành ngày 24/9, dành tới 38.000 tỷ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động – đây là những quyết định chưa từng có tiền lệ. Nhưng muốn thực hiện được, cũng phải có cơ sở bền vững, có kết dư mới “quyết” được các chính sách hỗ trợ này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, tư lệnh Bộ LĐTBXH thông tin thêm, hiện đang xây dựng mô hình BHXH đa tầng; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt sửa đổi Luật BHXH, và đã hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trong tuần này sẽ trình Chính phủ, sau đó trình Thường vụ Quốc hội.
Phát triển BHXH giữ đà tăng
Theo Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục giữ đà tăng, đặc biệt là về BHXH tự nguyện.
Cụ thể, cả nước có 16.176.180 người tham gia BHXH, đạt 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 414.035 người so với năm 2019.
Trong đó, về BHXH tự nguyện có 1.125.236 người tham gia, tăng 101,6% so với năm 2019 và tăng 184,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện năm 2020 đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong khi chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đến hết năm 2021 đạt 1%.
Song song đó, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn.