Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến các dự án BT tại khu vực sân bay Nha Trang

Ngày 30/6, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo kết luận thanh tra số 1029/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan các dự án xây dựng - chuyển giao (dự án BT) sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại sân bay Nha Trang, Khánh Hòa.

Cụ thể, có 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang. Trong đó, 3 dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) làm nhà đầu tư: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Nút giao Ngọc Hội; Dự án đường Vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội.

3 dự án còn lại là Dự án Đường số 4 (đoạn từ đường số 6 đến đường số 23) do Công ty Cổ phần Đầu tư VCN làm nhà đầu tư; Dự án Đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, thành phố Nha Trang do Công ty Hacom Holdsing làm nhà đầu tư; Dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh do Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và Công nghệ môi trường INCOTEC - Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Ngọc Minh UDIC làm nhà đầu tư.

Anh 1
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thực hiện các dự án BT tại khu vực sân bay Nha Trang.)

Sau khi kiểm tra trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất tại khu sân bay Nha Trang thanh toán các dự án BT, Thanh tra Chính phủ phát hiện, việc tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất là vi phạm quy định của luật đất đai, không phù hợp với chủ trương sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho các dự án BT.

Đối với 03 dự án BT do Công ty Phúc Sơn làm nhà đầu tư

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, 3 dự án BT mà tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Phúc Sơn làm nhà đầu tư còn tồn tại rất nhiều vi phạm.

Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa đã không thực hiện đầy đủ các cam kết theo nội dung Tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn Nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Theo đó, các dự án dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017. Mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp (tương đương 558 tỷ đồng xây lắp và 394,407 tỷ đồng chi phí đến bù giải phóng mặt bằng).

Việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), ký kết hợp đồng BT với Công ty Phúc Sơn còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định (hạng mục đường dây cấp điện) làm tăng tổng mức đầu tư 03 dự án BT lên 499,202 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư các dự án BT mà tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Phúc Sơn đã tăng hơn 484 tỷ đồng so với tờ trình của tỉnh và văn bản được Thủ tướng chấp thuận (tháng 7/2016). Không chỉ vậy, thời gian thực hiện dự án còn bị kéo dài thêm 30 tháng.

Việc tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Kết quả lựa chọn Nhà đầu tư, đàm phán và ký kết hợp đồng 03 dự án BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị dự án BT được tỉnh phê duyệt trong Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư là: 73,49 tỷ đồng (tổng 03 hợp đồng BT), đã vi phạm khoản 4 Điều 41 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về Nguyên tắc xét duyệt trúng thầu.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán còn nhiều hạn chế, tồn tại, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thi công ảnh hưởng đến tiến độ dự án; một số nội dung phê duyệt chưa phù hợp với thiết kế cơ sở; giải pháp xử lý nền đường đất yếu không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng công trình (tuyến nhánh Bắc Dự án đường Vành đai quá chậm sau 03 năm chưa hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và dự toán phê duyệt).

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra tiến độ thi công các dự án BT này diễn ra rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng; việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch; thay đổi thiết kế ảnh hưởng tiến độ, không đảm bảo cam kết của UBND tỉnh với Thủ tướng Chính phủ; chưa phân tích, đánh giá xác định rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm và đề ra các biện pháp xử lý, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đến thời điểm kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa xác định giá đất cụ thể để làm cơ sở xác định giá trị quỹ đất hoàn vốn cho các dự án BT; chưa xác định lại tên, ký hiệu, diện tích, giá trị quỹ đất đất hoàn vốn cho các dự án BT theo quy hoạch đã được phê duyệt; chưa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Công ty Phúc Sơn để thực hiện dự án khác theo thỏa thuận ghi tại hợp đồng BT; chưa xác định diện tích đất còn lại để xử lý theo quy định pháp luật…

Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm nêu trên của 03 dự án BT thuộc về: UBND tỉnh Khánh Hòa; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Ban quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi Khánh Hòa (nay là Ban Nông nghiệp); Ban quản lý dự án phát triển tỉnh; Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) và các nhà thầu Tư vấn thiết kế, thi công, giám sát; Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa; Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời kỳ của dự án và các đơn vị, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Đối với 03 dự án BT do các nhà đầu tư khác

Việc triển khai thực hiện 3 dự án BT này cơ bản tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vi phạm.

Anh 2
Nút giao thông Ngọc Hội nằm tại vị trí giao nhau giữa đường sắt với đường 23/10, thuộc xã Vĩnh Hiệp và phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, do Công ty Phúc Sơn làm chủ đầu tư.)

Cụ thể, UBND tỉnh phê duyệt đề xuất dự án, BCNCKT, ký hợp đồng 03 dự án BT khi chưa có quỹ đất thanh toán (quỹ đất thanh toán dự kiến chưa được Bộ Quốc phòng bàn giao); chưa xác định được giá trị quỹ đất thanh toán theo nguyên tắc ngang giá quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 23/2015/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh chậm chỉ đạo các Sở, ngành liên quan rà soát quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đến nay, 03 dự án BT đã triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành (02 dự án đã đưa dự án vào sử dụng, 01 dự án hoàn thành 80%) nhưng chưa có quỹ đất thanh toán.

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh phê duyệt Dự án Đường số 4, phê duyệt Quy hoạch chi tiết đoạn tuyến (từ đường 23/10 đến đường số 12) có bề rộng mặt đường từ 14,5m xuống 10,5m là không phù hợp với quy hoạch phân Khu 1/2000 được duyệt.

Ban quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi Khánh Hòa (nay là Ban Nông nghiệp) phê duyệt kết quả lựa chọn Nhà đầu tư cũng là không đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 84 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

Đối với Dự án Đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, thành phố Nha Trang, tuy công trình đã đưa vào sử dụng và được Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu tại Văn bản số 1892/SXD-HTKT ngày 29/5/2019, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu. Bởi vậy, đến nay dự án vẫn chưa được bàn giao cho cơ quan quản lý.

Quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư hoàn vốn, nhưng không được xác định giá trị quỹ đất để tính theo nguyên tắc ngang giá quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng là chưa phù hợp.

Đối với Dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc UBND tỉnh không ban hành Quyết định phê duyệt đề xuất dự án là chưa đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt dự án, thiết kế có đoạn tuyến ống thu gom ven Đầm Thủy Triều, trạm bơm số 1, số 2 tại Khu 5 chưa phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết phân khu dược duyệt.

Việc xác định lại giá trị quỹ đất của lô đất D12b diện tích 79.720,9 m thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, với giá trị quỹ đất được xác định là 30,987 tỷ đồng theo Văn bản số 11281/UBND-XDND ngày 26/10/2020 chưa được các Sở, ban ngành liên quan thực hiện.

Trách nhiệm để xảy ra các sai sót nêu trên thuộc trách nhiệm: các Nhà đầu tư, các Ban quản lý dự án được ủy quyền; các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng; UBND thành phố Nha Trang: Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa; Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời kỳ của dự án và các đơn vị, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Những sai phạm liên quan đến việc sử dụng quỹ đất tại khu vực sân bay Nha Trang để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT

Sân bay Nha Trang thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý, có tổng diện tích khoảng 238,82ha. Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Khánh Hòa xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Anh 3
Các dự án BT đã triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa có quỹ đất thanh toán.)

Sau khi đã bàn giao tại thực địa, ngày 24/10/2016, Bộ Quốc phòng có Văn bản số 10560/BQP-TM, đồng ý bản giao khoảng 62,89ha/238,82ha đất Quốc phòng cho UBND tỉnh Khánh Hòa; diện tích còn lại Bộ Quốc phòng vẫn đang quan lý sử dụng.

Thanh tra Chính phủ kết luận những sai phạm về việc UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận quỹ đất sân bay Nha Trang từ Bộ Quốc phòng và đồng thời bàn giao luôn đất cho Công ty Phúc Sơn (12/2015) khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Sau đó, từ tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định liên quan đến việc giao đất và cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất để Công ty Phúc Sơn thực hiện dự án khu Trung tâm đô thị Thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang mà không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm Luật Đầu tư.

Ngoài ra, việc tỉnh UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang theo đề nghị của Công ty Phúc Sơn đã vi phạm quy hoạch chung Thành phố Nha Trang theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và vi phạm quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) do chính UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt trước đó.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2014 - 2019) nghiêm túc kiểm điểm và đề xuất hình thức xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Chỉ đạo Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; UBND thành phố Nha Trang; Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Ban quản lý dự án có liên quan nghiêm túc kiểm điểm và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các tập thể và cá nhân có liên quan đã để xảy ra các sai phạm được nêu trong Kết luận thanh tra.

Chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhất là đối với các công trình dự án thực hiện theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT). Không để xảy ra tình trạng thực hiện khác với báo cáo, đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khẩn trương chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý khắc phục những tồn tại, vi phạm trong các dự án.

Trong quá trình tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Kết luận thanh tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an tỉnh Khánh Hòa để xử lý theo quy định của pháp luật.