Thiếu gần 5 triệu m2 nhà ở xã hội, quỹ đất chỉ đáp ứng được hơn 36%

Từ 14h chiều 3/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị là người đầu tiên trong bốn trưởng ngành đăng đàn trước Quốc hội.

Sau khi thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều nay 3/11, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 4 nhóm vấn đề

- Đầu tiên về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội;

- Thứ hai, quản lý thị trường bất động sản, xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản;

- Thứ ba, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp tại các thành phố lớn

- Thứ tư, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật  đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Điều hành phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đã có 72 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Xây dựng.

nha-o-xh-2-1667488370.jpg

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quochoi

Phát biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM) cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu do nguồn lực xã hội hóa, chính vì vậy việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc vào các chủ đầu tư dự án, mặt khác quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở trong thời gian qua còn ít.

“Thời gian tới, Bộ có có ban hành chính sách gì để hỗ trợ khuyến khích nhà ở xã hội, đặc biệt hỗ trợ quy trình vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tăng nguồn cung, khuyến nghị người lao động có thu nhập thấp?”, đại biểu đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu Lệ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong những năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việc đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhưng chưa được như mong muốn. Kết quả đến nay có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội, so với yêu cầu 12,5 triệu m2, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được 36,34%.

Theo Bộ trưởng, việc chưa đạt được mục tiêu này là do một số tồn tại, vướng mắc:

Quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại cần được sửa đổi bổ sung để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là sửa đổi Luật Nhà ở và các luật có liên quan về một số nội dung như trình tự mua bán nhà ở xã hội, việc xác định giá bán nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê,… những bất cập này làm hạn chế phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn vốn để phát triển dự án nhà ở xã hội cũng gặp khó khăn. Hiện Ngân hàng chính sách xã hội chỉ bố trí được nguồn vốn khoảng 35% so với nhu cầu. Ngoài ra, địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ chủ đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội theo quy định.

Về giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu 3 nhóm giải pháp cụ thể:

Đầu tiên, đối với các bộ ngành cần tập tủng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Thứ hai, rà soát nhận diện ddeert tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án

Thứ ba, tập trung triển khai có hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Chất vấn liên quan đến giá nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), đặt câu hỏi: Mục tiêu nhà ở xã hội là hướng tới người lao động có thu nhập thấp nhưng xem ra còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở cao. Giá trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là gì, có thể đưa về phù hợp với khả năng của người lao động, công nhân, người thu nhập thấp hay không. Nếu được thì trong thời gian bao lâu?

Trả lời đại biểu, Bộ Trưởng Xây dựng cho biết, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt. Giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân do chưa đảm bảo được nguồn cung; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa được thu hút; tổ chức thực hiện về quy trình, thủ tục còn nhiều phức tạp.

Giải pháp để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thời gian tới sẽ sửa đổi đồng bộ pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội, cũng như chính sách ưu đãi trong phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng chính phủ xem xét phê duyệt. Cố gắng đáp ứng mục tiêu nhà ở thu nhập thấp, cùng với đó đảm bảo giá nhà xã hội sẽ phù hợp hơn với thu nhập của người dân.