Nguy cơ sạt lở bờ biển
Tình trạng sạt lở bờ biển Hội An (Quảng Nam) đã và đang là nỗi lo hiện hữu đối với nhiều khu resort ven biển nơi đây, nhất là thời điểm vào mùa mưa bão mỗi năm.
Thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn bộ khu vực ven biển Điện Bàn – Hội An đã thu hút tổng cộng khoảng 63 dự án.
Trong đó có 32 dự án du lịch gồm thị xã Điện Bàn 15 dự án và thành phố Hội An 17 dự án. Bên cạnh đó là 21 dự án các khu công viên, bãi tắm và chức năng hỗn hợp và 10 dự án các khu dân cư tái định cư.
Tại khu vực phía Đông tuyến đường ven biển Đà Nẵng – Hội An, đoạn qua phường Cửa Đại, phường Cẩm An (thành phố Hội An) và phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) hiện có hàng chục khu du lịch nghỉ dưỡng, khu resort cao cấp đã và đang triển khai thi công xây dựng.
Trong báo cáo số 274/BC-UBND ngày 29/10/2022, UBND thành phố Hội An cho biết, thời gian qua, do chịu tác động trực tiếp từ cơn bão số 4, hoàn lưu bão cùng với triều cường, không khí lạnh và gió mùa Đông Bắc đã làm cho bờ biển Cẩm An, thành phố Hội An (Quảng Nam) bị sạt lở toàn tuyến.
Cụ thể, tại khối An Bàng, đoạn bờ biển không có kè tạm đã bị sạt lở khoảng từ 3m đến 4m, kể cả tại dự án khu du lịch Năm Sao Holiday Inn Hội An Resort.
Đối với bãi tắm An Bàng, tại khu vực đoạn có kè tạm ít bị sạt lở hơn. Tuy nhiên, sóng biển kết hợp với triều cường cao đã làm hư hỏng và sạt lở bờ kè, đồng thời toàn bộ khối lượng đất đắp tại bờ kè bị trôi, có đoạn bị sạt lở vào phía trong bờ kè.
Tại khối Tân Thành, đối với đoạn bờ kè tạm, có một số đoạn bị sóng biển kết hợp với triều cường cao đã làm hư hỏng, sạt lở và toàn bộ khối lượng đất đắp bị trôi, có đoạn bị sạt lở vào phía trong bờ kè.
Riêng tại khối Thịnh Mỹ, đối với đoạn không có kè tạm tại khu vực dự án khu du lịch sinh thái ven biển 5 sao – Hội An Holiday, dự án khu du lịch Lê Phan bị sạt lở từ 3 đến 5m.
Ngoài ra, tại đoạn này có 4 căn nhà dân bị sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ bị cuốn trôi ra biển nếu tiếp tục có sóng to, gió lớn. UBND phường Cẩm An cũng đã ban hành thông báo yêu cầu các hộ gia đình này sơ tán, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Cũng tại khối Thịnh Mỹ, riêng đoạn có đê ngầm thì bị sạt lở nhiều nhất tại khu vực công viên ven biển khu D và công viên vườn tượng (khu C).
Chưa hết, tại dự án khu Resort Spa Marriott Hội An đã có kè cứng nhưng vẫn bị trôi khối lượng cát rất lớn phía trong bờ kè.
Dự án chống xói lở bờ biển Hội An bao giờ triển khai?
Sạt lở bờ biển Hội An là thực trạng đã, đang diễn ra nhiều năm liền và UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đầu tư nhiều dự án phòng chống xói lở bảo vệ bờ biển tại khu vực này.
Đơn cử như ngày 31/10 mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, kết hợp nạo vét Cửa Đại.
Dự án này có giá trị 36,8 tỉ đồng, với quy mô đầu tư xây dựng hệ thống đê ngầm có chiều dài 220m, bắt đầu từ kè phía Bắc của khách sạn Victoria đến khu vực bãi tắm Hội An và nạo vét một phần luồng phía Bắc Cửa Đại.
Mặc dù đã triển khai nhiều dự án chống xói lở nhưng trên thực tế, bờ biển Hội An vẫn tiếp tục bị xói lở về phía Tây Bắc và đang đe dọa sạt lở tại nhiều khu resort khác nằm tại ven biển thị xã Điện Bàn (khu vực giáp ranh với thành phố Hội An).
Trong mùa mưa bão, nhiều chủ đầu tư resort ven biển đang lo lắng cho tình trạng sạt lở bờ biển. Trong khi đó, dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp hiện vẫn đang trong giai đoạn xúc tiến thủ tục pháp lý đầu tư.
Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp, có tổng vốn 1.128 tỉ đồng với thời gian thực hiện dự án trong 6 năm, từ năm 2019 – 2024.
Trong quá trình triển khai bước chuẩn bị đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), Báo cáo Chính sách an toàn Môi trường – xã hội (CSAT) đã hoàn thành từ tháng 3/2021. Tuy nhiên, trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) chưa tuyển chọn được tư vấn thẩm tra dự án.
Đến tháng 03/2022, AFD mới tuyển được tư vấn thẩm tra dự án, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm tra, phê duyệt dự án và ký kết Hiệp định trong tháng 12/2022.
Theo Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời gian kết thúc dự án là năm 2024.
Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan dẫn đến quá trình thẩm tra, phê duyệt FS chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, thời gian còn lại không đảm bảo để triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án.
Do đó, để đảm bảo dự án được triển khai thực hiện đạt các kết quả chủ yếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên thuộc HĐND tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, do dự án liên quan đến cơ chế tài chính đối với nguồn vốn ODA Nhà nước cấp phát 50% cho tỉnh Quảng Nam, nên mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét có ý kiến, làm cơ sở Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026.
Theo đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư là từ năm 2019-2022 và thực hiện đầu tư là từ năm 2023-2026.
Phúc đáp kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí việc gia hạn thời gian thực hiện dự án với điều kiện UBND tỉnh Quảng Nam phải tính toán, rà soát kỹ tiến độ, thời điểm hoàn thành công tác chuẩn bị, đồng thời có ý kiến đồng thuận của AFD để đảm bảo hoàn thành dự án, tránh phải gia hạn nhiều lần trong quá trình thực hiện.
Khác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2026, Bộ Tài chính cho rằng tỉnh Quảng Nam chưa đánh giá cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai dự án, hướng khắc phục và dự kiến các hoạt động triển khai trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, bổ sung thông tin để Bộ Tài chính có căn cứ góp ý đối với kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án.