Từ năm học 2020-2021, chương trình phổ thông (GDPT) 2018 đã bắt đầu triển khai ở lớp 1 bậc tiểu học. Theo lộ trình, trong năm học 2021-2022, chương trình sẽ tiếp tục triển khai đối với lớp 2 và lớp 6.
Hiện tại, tình hình triển khai chương trình ở một số tỉnh đang diễn ra tương đối thuận lợi. Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc sở GD, KH&CN Bạc Liêu cho biết, cơ bản Bạc Liêu bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu đối với giáo viên giảng dạy lớp 1, 2 và 6. Thầy cô được tập huấn theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và cơ bản đã theo kịp yêu cầu thực hiện Chương trình. “Theo đánh giá của giáo viên, các bộ sách được lựa chọn đang được triển khai thuận lợi tại nhà trường, khả năng tiếp cận, nhận thức, kết quả cuối kỳ của học sinh đều có tiến bộ hơn so với thực hiện Chương trình 2006 ở các khối lớp tương ứng”.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, “tỉnh đã cấp gần 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học; bảo đảm đủ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học triển khai chương trình mới với lớp 3 năm học tới”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chia sẻ của các địa phương cũng cho thấy hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn giáo viên Tin học, Tiếng Anh (Tiểu học); môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp Trung học phổ thông. Điều này dẫn đến một số địa phương không có giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật tham gia chọn sách giáo khoa.
Thiếu giáo viên ở các môn được bổ sung mới hoặc tăng cường số tiết dạy
Thực chất, tình trạng thừa, thiếu giáo viên không phải là vấn đề quá mới. Thống kê của Bộ GD-ĐT vào năm 2019 cho thấy, trong tổng số 15.538 trường tiểu học trên toàn quốc, chỉ có 13.339 giáo viên Âm nhạc, thiếu 2.199 người. Tương tự, số giáo viên Mỹ thuật chỉ có 13.445, thiếu 2.093 giáo viên.
Ở bậc THCS, số giáo viên Nghệ thuật cơ bản là đủ. Trong tổng số 10.939 trường THCS trên cả nước có 11.424 giáo viên Âm nhạc và 11.178 giáo viên Mỹ thuật. Ở cấp THPT, tình trạng này còn trầm trọng hơn khi hơn 2.800 trường THPT trên cả nước đều chưa có giáo viên dạy Nghệ thuật. Nếu căn cứ theo chỉ tiêu mỗi trường THPT cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật thì cả nước cần khoảng gần 5.700 giáo viên.
Cho đến hiện tại, tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học vẫn đang diễn ra. Lý do là chương trình đổi mới bổ sung thêm một số môn học mới, tăng cường số tiết dạy (Tin học, Ngoại ngữ ở bậc Tiểu học và Nghệ thuật ở bậc Phổ thông) nên cần thêm giáo viên. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn nằm ở việc “dân số tự nhiên tăng, mất cân đối giữa các vùng. Nhu cầu chất lượng giáo dục càng nâng cao và nhu cầu học tập ngày càng tăng”, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như dồn dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên..., nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục, nhất là trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có chỉ tiêu giáo viên, rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, năm học này Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đã phối hợp đề xuất bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026). Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường… “Ngay từ bây giờ các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai ở các lớp cuối cùng”, bởi “với tốc độ triển khai cuốn chiếu rất nhanh, nếu chỉ lo cho một năm, khó khăn sẽ càng tăng nhanh hơn vào các năm tiếp theo”, ông kết luận.
Trước đó, trong phiên giải trình “Thực hiện chính sách trong tuyển dụng giáo viên mầm non và vấn đề dạy và học trong tình hình Covid-19” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức vào tháng trước, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay ngành giáo dục hiện nay có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương có thể thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán; thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật... Cụ thể, ông cho biết, chúng ta đang thừa cục bộ hơn 10 nghìn, đồng thời thiếu cục bộ khoảng 46 nghìn giáo viên phổ thông. Ngoài ra, chúng ta đang thiếu gần 49 nghìn giáo viên mầm non. |
Nguồn: