Thừa Thiên - Huế: Tái diễn “nạn” tháo dỡ hàng rào bảo vệ cao tốc

Những hàng rào bằng thép gai để bảo vệ cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị người dân tháo dỡ, nhằm vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ tràm... Sự bất cập này không phải là lần đầu diễn ra, gây mất an toàn giao thông. 

Nhiều đoạn bị tháo

Có mặt trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan nối giữa Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng, ghi nhận của PV, trên tuyến đoạn từ km2 đến km5, đặc biệt ở đoạn giao nhau giữa xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) và Hương Phú (huyện Nam Đông) có nhiều đoạn hàng rào, dây kẽm gai bị phá dỡ, nhiều mét dây kẽm gai cũng bị gạt qua hai bên. Còn tại km 13+745 có 2 điểm bị tháo dỡ nghiêm trọng, với chiều ngang khoảng 5 m.

e1

Hàng rào bảo vệ cao tốc La Sơn – Túy Loan bị tháo dở

Ở nhiều vị trí rừng trồng tràm, dù chưa khai thác nhưng hàng rào cũng bị tháo để mở lối ra vào cho người dân. Một số vị trí dây kẽm gai không bị tháo nhưng việc đưa gỗ tràm vừa khai thác qua hàng rào để lên xe ô tô cũng khiến hàng rào bảo vệ an toàn giao thông bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Xuân Phú, xã Hương Phú) cho hay, từ khi có đoạn đường cao tốc này, dân không còn đường để vào rừng sản xuất.

“Chúng tôi biết tự ý mở rao cao tốc là sai nhưng khi đến thời điểm khai thác rừng thì buộc lòng chúng tôi phải làm, bởi đời sống gia đình chỉ biết bám vào rừng vả lại ở đây đều là đường độc đạo hết. Nếu không có đường đi, người dân chúng tôi chỉ còn cách góp tiền mua... máy bay để chở gỗ thôi”, ông Hòa chia sẻ.

Tại các hệ thống thoát nước dọc trên tuyến, nhiều đoạn bị người dân đổ đất đá xuống tạo lối đi tự phát băng ngang qua hệ thống hàng rào bị phá dỡ. Nhằm hạn chế việc người dân tự ý mở đường vào cao tốc, chủ đầu tư, nhà thầu đã cho đào các hố sâu trên đường ngang tự phát, dùng dải phân cách bằng bê tông chắn ngang. Tuy nhiên, dù chính quyền địa phương, nhà thầu, chủ đầu tư đã phối hợp xử lý nhiều lần, nhưng tình trạng cắt hàng rào mở lối vào cao tốc vẫn tái diễn...

e2

Nhiều lối mở dân sinh, gây mất an toàn giao thông

Cũng theo ghi nhận, có rất nhiều lượt phương tiện xe tải, xe khách, xe máy, nhiều nhất là xe chở keo tràm vẫn đang chạy “chui” trên tuyến.

UBND huyện Nam Đông cho biết trên địa bàn huyện có gần 36 ha rừng bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan. Trong đó, người dân có đơn đề nghị thu hồi hơn 13,5 ha, còn lại hơn 22,3 ha được người dân đề nghị mở đường sản xuất.

Tìm giải pháp

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, hành vi tự ý phá hàng rào là vi phạm pháp luật, địa phương sẽ vận động người dân không nên phá. Đồng thời, huyện sẽ kiến nghị với Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị chủ đầu tư dự án) sớm khắc phục đường gom đã làm, hiện đã hư hỏng sau một trận mưa năm 2021.

“Với các đường gom chưa làm thì phải làm sớm, đường đang làm thì đẩy nhanh tiến độ để bà con có đường đi vào rừng sản xuất. Đối với các vị trí không thể mở đường gom, huyện đã có kiến nghị lên tỉnh cho thu hồi để giao lại cho địa phương quản lý, chuyển qua rừng phòng hộ”, ông Hồ nói.

a3(1)

Việc tháo dở hàng rào là do người dân không có đường đi vào rừng để khai thác

UBND huyện Nam Đông cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh tình hình cụ thể. Trong đó nêu rõ tại xã Hương Lộc, các tuyến đường gom (kết nối các tuyến đường dân sinh để dẫn ra đường chính, tránh đi vào cao tốc) đã thi công nhưng do mưa bão làm xói mòn, lở sâu vào đất liền hai bên cống bắc qua suối, người dân không đi lại được. Ở xã Hương Phú (nơi có nhiều điểm bị phá rào), tuyến đường sản xuất của người dân hiện tại còn nhiều điểm chưa được hoàn thành…

Trước đó, chủ đầu tư dự án đã có văn bản gửi cho UBND các huyện có đường cao tốc đi qua để vận động, tuyên truyền và cắt cử lực lượng bảo vệ, nhắc nhở người dân không tự ý tháo dỡ hàng rào nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh hư hỏng công trình. Nếu sau khi nhắc nhở mà người dân tiếp tục tái phạm thì phải mời cơ quan chức năng vào cuộc.

“Ban cũng đã phối hợp với huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông. Thực ra rất nhiều vị trí đường gom nhưng giờ đã đóng cơ bản rồi giờ chỉ còn vài vị trí nữa trước khi thông xe thì phối hợp với địa phương đóng. Về đường gom dân sinh vừa rồi mưa gió nó sạt, nắng lên sẽ cho rà soát lại...”, đại diện chủ đầu tư thông tin thêm.

a4

Xe chở keo tràm của người dân vô tư chạy trên cao tốc

Cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng, chiều dài 77,5km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và kết thúc tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Dự án dự kiến thông xe cuối năm 2018, nhưng do nhiều lần điều chỉnh phê duyệt, vướng giải phóng mặt bằng khiến công trình chậm tiến độ. Dự án thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe, giai đoạn 2 nâng lên 4 làn xe, mặt cắt ngang rộng 23-24m, tốc độ cho phép 80km/h.

Được biết, Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã cho phép nghiệm thu bàn giao công trình cao tốc cho đơn vị quản lý. Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào vận hành khai thác, dự kiến quý I/2022.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương trên tuyến cao tốc tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp với công an các huyện, chủ đầu tư... tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trên tuyến cao tốc. Vận động các hộ dân và các hộ dân đã cam kết tự giải phóng, tận thu nguyên liệu và không được tái phạm việc trồng cây nằm trong phạm vi đất dành cho đường bộ.