Đều là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hoạt động bằng thiết bị điện tử, nhưng hai dòng sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử khác biệt nhau từ nguyên liệu, cơ chế vận hành, kiểu dáng, cũng như tính phổ biến và mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng trong thời gian gần đây.
Thuốc lá điện tử hệ thống mở: Gây nhiều nỗi lo
Đặc điểm chung dễ thấy rõ của các dòng thuốc lá thế hệ mới này chính hoạt động bằng thiết bị điện tử, nên cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử thường bị gom chung và gọi nhầm là “thuốc lá điện tử.”
Trên thực tế, hai dòng sản phẩm hiện đang được lưu hành trên thị trường “chợ đen” này có những khác biệt đáng kể.
Theo đó, thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá hoạt động theo cơ chế làm nóng - không đốt cháy, tạo ra nicotine từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên để cung cấp cho người hút thuốc. Do vậy, thuốc lá làm nóng khá quen thuộc và phổ biến đối với những người đã từng hút thuốc.
Trong khi đó, thuốc lá điện tử có cơ chế làm bay hơi dung dịch có chứa hoặc không chứa nicotine. Đặc biệt, thuốc lá điện tử có hai loại, một loại là “hệ thống đóng” (closed system) chỉ sử dụng dung dịch đóng gói sẵn từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, loại này ít phổ biến trên thị trường vì người dùng không thể pha chế và sử dụng hỗn hợp dung dịch theo sở thích.
Loại còn lại là “hệ thống mở” (open system), cho phép người dùng pha trộn dung dịch theo nhu cầu, tăng giảm liều lượng nicotine, tạo nhiều mùi hương khác nhau, thậm chí có chất tạo màu cho khói.
Do đó, thuốc lá điện tử hệ thống mở không chỉ là sản phẩm phổ biến hiện nay đối với cả người đã từng hoặc chưa từng hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ, mà còn tạo ra nhiều kẽ hở để những kể xấu trục lợi bằng cách thêm các chất cấm, cần sa, ma túy.
Theo báo cáo của cơ quan y tế, gần đây đã xảy ra nhiều ca ngộ độc ma túy do hút thuốc lá điện tử.
Thực tế, các trường hợp này đều đến từ việc sử dụng thuốc lá điện tử hệ thống mở từ nguồn buôn lậu, trong đó đối tượng sử dụng đã bị dẫn dụ bởi người bán, hoặc tự có chủ đích tìm kiếm chất cấm chứa trong vỏ bọc thuốc lá điện tử trá hình.
Hiện nay, do chưa có khung pháp luật kiểm soát phù hợp, nên việc tiếp cận thông tin chính thống, minh bạch về sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Đây cũng chính là điều kiện để nhiều kẻ gian thổi phồng sản phẩm, lôi kéo thanh thiếu nhiêu bằng nhiều chiêu trò câu dẫn tinh vi.
Quý 1 năm nay, Bộ Công an đã bắt hàng loạt vụ buôn lậu ma túy núp bóng dưới danh nghĩa là thuốc lá điện tử.
Theo nghiên cứu về hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông năm 2020, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), riêng ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Trong khi đó, với thuốc lá làm nóng, hiện ở Việt Nam chưa có bất cứ dẫn chứng nào về sự quan tâm của giới trẻ với sản phẩm này.
Tại nhiều nước phát triển, như Nhật Bản, việc thương mại hóa thuốc lá làm nóng được cho là giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn giới trẻ hút thuốc lá điếu.
Sau 5 năm thực thi, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điếu đã giảm đến 44%. Hay tại Hàn Quốc, Nga, Anh, Mỹ, New Zealand, Israel và một số quốc gia khác cũng cho phép thuốc lá thế hệ mới đã qua kiểm nghiệm khoa học được lưu hành chính thức như một công cụ bổ trợ cho chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện.
Liệu đã đủ cơ sở để quản lý thuốc lá làm nóng bằng luật hiện hành tại Việt Nam?
Trong tọa đàm “Phòng chống tác hại thuốc lá - Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu” tháng 12/2022, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng theo định nghĩa “thuốc lá” của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012 thì thuốc lá làm nóng chính là thuốc lá, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh.
Bởi vậy, có thể quản lý ngay thuốc lá làm nóng mà không cần phải thí điểm, bằng việc sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá.
Dưới góc nhìn thị trường, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại điện tiếng nói người tiêu dùng, thì cho rằng nhu cầu sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới của người dân là một thực tế, để thay thế thuốc lá điếu (sản phẩm vốn được chứng minh là gây tác hại lớn hơn).
Bởi vậy, nếu không đưa vào quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thì vừa gây nhiều bất cập cho cơ quan quản lý vừa thiệt thòi cho cả người tiêu dùng.
Đến nay, một nghịch lý dễ thấy là những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trôi nổi, buôn lậu thì lại ngang nhiên bày bán công khai, thiết kế cửa hiệu bắt mắt, trong khi đó những sản phẩm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cùng các cơ quan y tế uy tín khác xác nhận về giảm thiểu tác hại so với thuốc lá điếu thì lại bị xếp chung với những sản phẩm vô danh, kém chất lượng.
Do vậy, trong nhiều cuộc họp lấy ý kiến do bộ ngành tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần xác định rõ đâu là sản phẩm cần cấm, không đánh đồng sản phẩm buôn lậu trôi nổi với các sản phẩm đã được thẩm định khoa học.
Mặt khác, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào đã thuộc định nghĩa của luật như thuốc lá làm nóng thì cần được đưa vào diện quản lý ngay để bảo vệ lợi ích người dùng cũng như nâng cao năng lực quản lý sản phẩm thuốc lá của quốc gia, đồng thời chống thất thu thuế./.