Tiêm vaccine chủ động tạo miễn dịch, phòng bệnh hiệu quả

Việc tiêm vaccine luôn được xem là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, đồng thời làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, tiêm vaccine chủ động còn tạo miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
tiem-vaccine-la-bien-phap-phong-benh-hieu-qua-nhat-pld-1723172674.jpg
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: VGP/TT.

Theo Sở Y tế Hà Nội, để phòng chống các dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2024 đơn vị đã triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, phấn đấu mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi, tiêm vaccine phòng bệnh sởi - rubella mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi và tiêm đầy đủ uốn ván cho phụ nữ có thai đạt từ 95% trở lên; tiêm đủ 2 mũi vaccine Bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ dưới 1 tuổi, vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi và tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B trong 24 giờ đầu cho trẻ sơ sinh đạt từ 90% trở lên. 

Tiêm vaccine phòng bệnh Bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (DPT4) cho trẻ từ 18 tháng đạt từ 80%; tỷ lệ tiêm bổ sung, tiêm chống dịch các loại vaccine đảm bảo chỉ tiêu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. 

Sở cũng đặt mục tiêu 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện quản lý đối tượng trong diện hoạt động tiêm chủng mở rộng, lịch sử tiêm của đối tượng tiêm chủng mở rộng; quản lý vật tư, vaccine và thống kê báo cáo tháng, quý, năm trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được Sở Y tế Hà Nội giao là đơn vị thường trực công tác tiêm chủng, đã xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn; đầu mối tổng hợp nhu cầu sử dụng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng của các đơn vị trên địa bàn Thành phố để báo cáo, đề xuất cấp phát vaccine theo đúng hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine, phân bổ, cấp phát cho các đơn vị theo đúng quy định. 

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tiêm chủng ở các trung tâm y tế quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, thực hành an toàn tiêm chủng, giám sát bệnh truyền nhiễm; tổ chức các đợt giám sát về công tác tiêm chủng như: Quản lý đối tượng, an toàn tiêm chủng, đánh giá tiến độ thực hiện theo tháng, quý về công tác tiêm chủng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, trước diễn biến của dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo một số dịch bệnh ghi nhận trong thời giam vừa qua như sởi, ho gà, bệnh hầu... Với các bệnh có vaccine thì khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế...

phu-huynh-nen-dua-con-em-di-tiem-chung-dung-lich-de-phong-benh-hieu-qua-pld-1723172673.jpg
Phụ huynh nên đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: VGP/TT.

Theo ghi nhận tại quận Đống Đa, trên địa bàn quậncó trên 3.600 trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, Hib) trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí tại Trạm y tế. 

Để thực hiện tốt công tác tiêm chủng, quận Đống Đa đã tổ chức 2 cụm tiêm chủng cho 21 phường; tổ chức các buổi tiêm chủng thường xuyên vào thứ 4 tuần đầu tiên của tháng, triển khai tiêm bù cho đối tượng tạm miễn hoãn vào thứ 4 tuần thứ 3 của tháng; tổ chức ghép các điểm tiêm, ghép đối tượng tiêm chủng trên địa bàn phù hợp để thực hiện đúng quy định về hệ số sử dụng vaccine, tránh lãng phí. 

Các trạm y tế bố trí đủ lượng vaccine cần sử dụng, cơ số thuốc cấp cứu, chống sốc cũng như các phương tiện để sẵn sàng xử trí, cấp cứu kịp thời khi cần; người dân đến tiêm tương đối đầy đủ theo kế hoạch và không ghi nhận phản ứng bất thường của trẻ sau tiêm.

Chị Trần Thị Quyên, điều dưỡng và là phụ trách chính điểm tiêm chủng tại cụm 1 cho biết, để buổi tiêm chủng đạt hiệu quả, Trạm y tế đã chủ động rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, đẩy mạnh tuyên truyền và thông báo trên tin nhắn hoặc gọi điện, gửi giấy mời cho người dân trên địa bàn biết về thời gian, địa điểm tiêm chủng. Người dân khi đưa trẻ đến tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn và tiêm vaccine theo đúng liều lượng, độ tuổi, quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng được hướng dẫn theo dõi và xử trí đối với các phản ứng sau tiêm chủng của trẻ. Đối với những gia đình chưa đưa trẻ đi tiêm, cán bộ y tế sẽ sát sao hơn, chủ động gọi điện thông báo hẹn ngày tiêm lại cho trẻ; tăng cường truyền thông về lợi ích của vaccine trong phòng chống dịch bệnh, tích cực đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

Tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh như: Viêm gan B, bệnh lao, bệnh ho gà, uốn ván, bệnh bạch cầu, bệnh sởi – rubella hoặc viêm não Nhật Bản… Vaccine có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể, bảo vệ sức khỏe, hạn chế sự tấn công của vi rút, vi khuẩn có hại đối với sức khỏe. Vì vậy, việc tiêm phòng đúng lịch, đủ liều sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt, phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.