Tiên Yên: Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng hơn 18 lần, giúp gần 8.000 hộ dân thoát nghèo

20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Yên, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 14.801 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 7.987hộ thoát nghèo.
a1-1661134530-1661183128.jpg
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách được huyện Tiên Yên khen thưởng

Đồng thời, thu hút tạo việc làm cho trên 4.125 lao động, giúp cho 598 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 16.474 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 284 ngôi nhà cho hộ nghèo...– ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh khẳng định tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP  ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ trên địa bàn huyện Tiên Yên vào ngày 25/7/2022.

Giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội

Theo ông Phạm Văn Hoài, tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tiên Yên là 277.839 triệu đồng với 4.765 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,7% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị.Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện Tiên Yên đạt 278.789 triệu đồng, tăng 263.687 triệu đồng (gấp 18,5 lần) so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,2%/năm. Trong đó, Đoàn thanh niên huyện quản lý 52.740 triệu đồng với 891 khách hàng đang vay vốn tại 31 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 19% trên dư nợ ủy thác cho vay.

a2-1661134563-1661183129.jpg
Phát triển mô hình nuôi vịt biển lấy trứng của Đoàn thanh niên xã Đồng Rui nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

 

Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Tiên Yên không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển 4.250 triệu đồng sang NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Vẫn theo ông Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện:Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 11.646 triệu đồng, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tiên Yên đã và đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 278.790 triệu đồng với 4.768 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương và vốn Ngân sách Tỉnh ủy thác qua NHCSXH là 275.545 triệu đồng với 4.710 khách hàng đang vay vốn; dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH là 3.244 triệu đồng với 58 khách hàng đang vay vốn.

Nhận xét về phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã.

a3-1661134586-1661183129.jpg
Từ năm 2012 anh Phạm Văn Vững (xã Tiên Lãng) – gương mặt trẻ khởi nghiệp đã vay vốn NHCSXH mở rộng xưởng sửa chữa đóng mới tàu thuyền cho bà con ra khơi bám biển

Ông Phó Chủ tịch Phạm Văn Hoài cho hay: “Phương thức cho vay trên được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở”.

Cải thiện đời sống hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững

Thấy rõ ưu điểm của phương thức cho vay này, nên trong thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 11 Điểm giao dịch của NHCSXH tại 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật). Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã.

a4-1661134604-1661183129.jpg
Cán bộ NHCSXH thăm mô hình VAC của chị Chu Thị Hiền (xã Đông Hải) chăn nuôi gà, lợn và đào ao thả cá cho thu nhập khá giả

Ông Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện quả quyết nói, mô hình Điểm giao dịch xã chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của NHCSXH. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.

Đáng chú ý, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chếtình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Nhờ vậy, hàng ngàn hộ vay đã có điều kiện để đầu tư sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Điển hình như: hộ chị Chu Thị Hiền - thôn Phương Nam xã Đông Hải trước đây thuộc diện hộ cận nghèo của xã, kinh tế gia đình nhiều khó khăn, thời điểm đầu gia đình chị chỉ dám vay 30 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi lợn. Đến năm 2019 gia đình đỡ khó khăn hơn, chị mạnh dạn xin vay 100 triệu đồng từ chương trình Giải quyết việc làm để làm mô hình VAC, chăn nuôi 2.000 con gà, lợn và đào ao thả cá, xây nhà mới kiên cố, đời sống thu nhập khá giả hẳn lên.

a5-1661134633-1661183129.jpg
Hộ ông Lý Đức Bảo (xã Phong Dụ) thoát nghèo và có đời sống thu nhập ổn định nhờ vay vốn NHCSXH xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà Tiên Yên kết hợp với trồng rừng.

Hộ ông Lý Đức Bảo, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụthuộc diện hộ nghèo; năm 2013, gia đình  ông đã mạnh dạn đề nghị vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo của NHCSXH để trồng rừng. Năm 2017 thụ hưởng chính sách đối với hộ nghèo về nhà ở, gia đình ông đã vay 50 triệu đồng để xóa nhà tạm, xây dựng nhà ở kiên cố. Đến nay thu nhập gia đình đã khá hơn, và vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Năm 2021 ông đề nghị vay lên mức 100 triệu đồng chương trình cho vay Giải quyết việc làm để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà Tiên Yên kết hợp với trồng rừng. Hiện tại gia đình ông đã vươn lên là hộ thu nhập cao trong xã, con cái được đi học đầy đủ và là gương điển hình trong phong trào thoát nghèo của xã.

Nhấn mạnh về hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tiên Yên, ông Phạm Văn Hoài tự hào nói: Vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 lên 58 triệu đồng/người năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 0,52%, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện và huyện đã về đích nông thôn mới năm 2019./.