Những năm gần đây, môi trường kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện, nhưng để thực sự bứt phá, trở thành điểm đến thuận lợi và an toàn của nhà đầu tư thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trên chặng đường này, báo chí chính là cầu nối đồng hành cùng Chính phủ, người dân chung tay hiện thực hóa mục tiêu tạo lập một môi trường cạnh tranh, lành mạnh để nuôi dưỡng doanh nghiệp.
Gia tăng giá trị cho các chương trình cải cách
Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.
Bước sang năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh COVID-19. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/3/2022 đạt 8,91 tỷ USD.
Những kết quả này cho thấy, Việt Nam thực sự là điểm đến an toàn của giới đầu tư nhờ thành công trong công tác chống dịch COVID-19 cùng chính sách mở cửa, ưu đãi. Nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn rộng hơn, sâu hơn, có một nguyên nhân quan trọng khác đó chính là môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Văn phòng Chính phủ, so với giai đoạn 2011 - 2015, hiện Việt Nam đã tăng hàng chục bậc trên Bảng xếp hạng về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Hàng nghìn điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hay thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý đã được cắt giảm.
“Trong các cuộc chiến đó, “vũ khí” làm gia tăng giá trị cho những chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ ngay từ khi còn đang soạn thảo cũng như khi đã được ban hành chính là báo chí”, ông Hiếu nhìn nhận.
Cũng theo ông Hiếu, báo chí giúp bạn đọc có được thông tin chính xác, kịp thời, hữu ích trong việc tiếp cận tốt hơn với các chủ trương, chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này đã giúp người dân, doanh nghiệp tin tưởng, yên tâm bỏ vốn sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.
Bên cạnh đó, với tính phản biện cao, báo chí góp phần tạo sức ép đối với việc thực thi cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng hiệu quả. Với vai trò là các cơ quan ngôn luận, báo chí truyền tải các thông tin phản biện của người dân, doanh nghiệp về các dự thảo chính sách, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách, quyết sách của Nhà nước. Báo chí cũng tạo sức mạnh dư luận buộc các bộ, ngành phải làm tốt hơn trong việc thực hiện các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh…
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, rõ ràng, nếu không có sự đóng góp của báo chí thì việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam khó đạt được kết quả như thời gian vừa qua. Bởi, báo chí chính là cầu nối, là kênh thông tin quan trọng truyền tải tiếng nói của người dân, doanh nghiệp … vào các hội nghị, hội thảo của Chính phủ và đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi.
Theo Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - người chắp bút xây dựng các nghị quyết nói trên của Chính phủ cho rằng, thành tích này có sự chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc thúc đẩy cũng như tạo áp lực lên các bộ, ngành, địa phương về cải cách môi trường kinh doanh.
“Báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp; cung cấp cơ sở, bằng chứng thực tiễn cũng như chuyển tải các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân… Từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp yên tâm thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh”, bà Thảo chia sẻ.
Chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một trong những giải pháp hàng đầu để hiện thực hóa mục tiêu này được Nghị quyết nêu rõ, đó chính là cải cách thể chế kinh tế để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường...” cũng như “hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, để hiện thực hóa được khát vọng này, không thể thiếu vai trò đồng hành của báo chí trong việc cổ vũ, chung tay thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm xây dựng được một thể chế kinh tế tốt, thuận lợi và an toàn hơn để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho đất nước. Theo đó, nhằm phát huy được vai trò quan trọng của báo chí, các nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để sáng tạo được những tác phẩm báo chí giá trị, có góc nhìn khách quan, độc lập, tránh “loby” chính sách một cách kém minh bạch.
Đồng quan điểm, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các cơ quan báo chí đã có những tin, bài bám sát các nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ lớn của các bộ, ngành và địa phương. Báo chí không những đưa tin, thông báo kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn là kênh tạo nên sức ép để nhắc nhở cũng như đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, nhất là thủ trưởng của các đơn vị thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đã đề ra. Nhờ những nỗ lực này mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục gia tăng; nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trước đây cũng quay trở lại hoạt động.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang len lỏi vào nhiều lĩnh vực của đời sống, nếu nắm bắt được cơ hội, Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên để phát triển thịnh vượng. Trong nỗ lực này, báo chí cũng phải chung tay phổ biến, tuyên truyền để giúp các doanh nghiệp, người dân có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội từ cuộc cách mạng này. Mỗi nhà báo cần chuẩn bị cho mình những hành trang, kiến thức, nghiệp vụ tốt nhất để mỗi bài báo thực sự trở thành “vũ khí” góp phần quan trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp phát triển.