Tìm giải pháp quản lý và phát triển mặt tiền hướng biển: Cẩn trọng lựa chọn quy định phù hợp

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp.

 Về cơ bản, các nội dung của Dự thảo Nghị định nhận được sự tán đồng của đa số cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được tham vấn. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại ý kiến trái chiều về một số quy định cụ thể như:

Quy định về cấp phép lấn biển

Trong quá trình soạn thảo Nghị định, có 2 nhóm ý kiến về vấn đề cấp phép lấn biển. Trong đó, có 9/14 Bộ và 10/18 địa phương khi được hỏi đã ủng hộ đề nghị có cấp phép lấn biển. Đồng thời cho rằng, việc lấn biển tác động lớn đến môi trường, hệ sinh thái, thay đổi dòng chảy cũng như các yếu tố về quốc phòng, an ninh, xã hội… Việc cấp phép lấn biển thực chất là thủ tục giao khu vực biển nên không phát sinh thủ tục hành chính mới. Hơn nữa, xét về tác động, ảnh hưởng thì lấn biển có tác động, ảnh hưởng lớn hơn giao khu vực biển, nếu không cấp phép thì khó quản lý, kiểm soát.

Ngược lại, có 2/14 Bộ và 6/18 địa phương khi được tham vấn ủng hộ ý kiến không cấp phép lấn biển. Lý do được đưa ra là các tác động môi trường của hoạt động lấn biển thực tế đã được xem xét, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; việc cấp phép lấn biển sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Trước hai luồng ý kiến này, sau khi cân nhắc, Bộ TN&MT đồng tình với ý kiến của đa số Bộ, ngành, địa phương và cho rằng cấp phép lấn biển là cần thiết để tăng cường quản lý Nhà nước, làm cơ sở quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động lấn biển bởi hiện tại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Ngoài ra, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lấn biển là một hoạt động phức tạp, tác động lớn đến môi trường, sinh thái biển và ven bờ và hầu hết các nước đều quy định cấp phép lấn biển bên cạnh quy định đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, Bộ TN&MT khẳng định, việc quy định cấp phép lấn biển không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, mà thực chất là chuyển (bãi bỏ) quy định giao khu vực biển để lấn biển của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP sang Dự thảo Nghị định này để điều chỉnh thống nhất, tập trung tại một Nghị định (chỉ thay đổi tên gọi của thủ tục hành chính).

anh-minh-hoa
 Ảnh minh họa)

Quy định về thời điểm giao đất, cho thuê đất

Theo Dự thảo Nghị định hiện nay, nhà đầu tư dự án lấn biển được lựa chọn một trong hai thời điểm giao đất, cho thuê đất, cụ thể:  Giao đất, cho thuê đất sau khi nghiệm thu lấn biển và quyết toán chi phí đầu tư lấn biển; Giao đất, cho thuê đất ngay sau khi được cấp Giấy phép lấn biển.

Trường hợp nhà đầu tư lựa chọn được giao đất, cho thuê đất sau khi nghiệm thu lấn biển và quyết toán chi phí đầu tư lấn biển, nhà đầu tư sẽ được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được khấu trừ chi phí đầu tư lấn biển. Theo lựa chọn này, việc thực hiện lấn biển thực hiện tương tự như Nghị định số 11/2021/NĐ-CP và quy định rõ hơn việc quản lý, sử dụng đất sau khi nghiệm thu lấn biển để đồng bộ với pháp luật về đất đai.

Trường hợp nhà đầu tư lựa chọn được giao đất, cho thuê đất ngay sau khi được cấp Giấy phép lấn biển thì nhà đầu tư dự án lấn biển phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại thời điểm giao đất, cho thuê đất; nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được khấu trừ chi phí đầu tư lấn biển sau khi nghiệm thu lấn biển và quyết toán chi phí lấn biển.

Ngoài ra, hiện nay, một số chuyên gia đang bất đồng quan điểm về quy định khấu trừ chi phí đầu tư lấn biển vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc khấu trừ này nhằm đảm bảo quyền lợi, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển, khai thác giá trị tiềm năng của tài nguyên biển. Ý kiến khác lại cho rằng, việc khấu trừ chi phí đầu tư lấn biển vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước, hơn nữa sẽ không chọn lọc được nhà đầu tư thật sự có năng lực khi thực hiện dự án lấn biển…

Dự thảo Nghị định lấn biển là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển; ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và sinh kế của người dân. Chính vì vậy, mọi quy định trong Dự thảo đều được xem xét, đánh giá và lựa chọn cẩn trọng nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục thảo luận, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành theo đúng kế hoạch đề ra.

ts-kim-in-hwan
TS. Kim In Hwan - Cố vấn chính sách môi trường của Vụ Pháp chế:
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, mỗi vùng đất được xác định trước sẽ được lấn biển phải bao gồm một kế hoạch lấn biển mô tả những chi tiết trong Quy hoạch tổng thể.
Việc xây dựng các kế hoạch tổng thể để lấn biển được quy đinh như sau: Bộ trưởng Bộ Đại dương và Thủy sản lập Quy hoạch tổng thể cải tạo vùng nước công cộng 10 năm một lần, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch quản lý đô thị. Đồng thời, phải xin ý kiến trước của Thủ trưởng cơ quan Trung ương có liên quan và lắng nghe ý kiến của chính quyền địa phương liên quan.
Kế hoạch lấn biển cho từng vùng đất được xác định trước sẽ được khai báo, được lập trong thời hạn 5 năm. Trong đó, phải thể hiện chi tiết các nội dung như: Vị trí và diện tích đất lấn biển được xác định trước; mục đích lấn biển và kế hoạch sử dụng đất; các vấn đề về sự cần thiết của việc lấn biển và cách thức lấn biển; những thay đổi trong môi trường, hệ sinh thái và các biện pháp đối phó (thiệt hại và thay đổi trên đất liền và đất ngập nước nội địa; thay đổi dòng nước biển hoặc dòng thủy triều, và chuyển động của đất và đá; ô nhiễm đất do chôn lấp đất và đá); so sánh tính khả thi về kinh tế trước và sau khi lấn biển.
pgs-vu-thanh-ca
PGS. TS Vũ Thanh Ca - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam:
Không cho phép lấy cát ở biển để lấn biển 
Cá nhân tôi cho rằng, Dự thảo Nghị định nên quy định rõ, không cho phép sử dụng cát ở biển để lấn biển, trừ trường hợp sử dụng cát nạo vét để lấn biển. Bởi hút cát dưới biển sẽ gây ra xói lở bờ biển, gây thiệt hại kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều lần diện tích biển có được khi lấn biển. Đồng thời, tất cả các dự án lấn biển đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, hoạt động lấn biển - đổ đất đá xuống biển sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, dễ gây ra hiện tượng xói lở, bồi đắp xung quanh.
Ngoài ra, Dự thảo quy định, mốc ranh giới để tính một hoạt động lấn biển là từ đường mực nước triều thấp nhất trung bình nhiều năm. Quy định này cần được xem xét và cân nhắc lại bởi hiện nay, trên thế giới, hầu hết các nước đều quy định hoạt động lấn biển tính từ mực nước triều cao nhất trung bình nhiều năm.
son
TS. Phạm Ngọc Sơn - Nguyên quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và  Hải đảo Việt Nam:
Cần chỉ rõ khu vực không được lấn biển
Đồng tình với quan điểm của PGS. TS Vũ Thanh Ca, TS. Phạm Ngọc Sơn cho rằng, Dự thảo Nghị định nên quy định mốc giới để tính hoạt động lấn biển từ mực nước triều cao trở ra. Bởi, nếu tính từ mực nước triều thấp trở ra thì bỏ trống một khoảng diện tích từ chiều cao đến chiều thấp không được quản lý, như vậy sẽ không đảm bảo được tính toàn diện về mục đích xây dựng Nghị định.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng cần liệt kê đầy đủ các khu vực không được lấn biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.