Cục thống kê TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay. Đồng thời, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng còn lại.
Theo đó, GRDP quý 2 năm nay tăng 5,87%, cao hơn mức tăng của quý 2 năm ngoái. Cục thống kê TP.HCM ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ, cũng cao hơn mức tăng của 6 tháng năm 2022.
Trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89,0% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 09 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố chỉ tăng 4,92% (do ngành kinh doanh bất động sản giảm 11,58%), đóng góp 80,6% vào tốc độ tăng GRDP.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ và đóng góp 0,3% vào tốc độ tăng GRDP.
Còn khu vực công nghiệp, xây dựng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,80% so với cùng kỳ và đóng góp tương ứng 5,1% vào tốc độ tăng GRDP, trong khi tỷ trọng theo giá hiện hành chiếm đến 20,7% GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 2,59%, đóng góp 13,8% vào mức tăng GRDP; ngành xây dựng giảm 8,45%, làm giảm 8,7% tốc độ tăng GRDP.
Từ đầu năm đến ngày 20/6, Thành phố đã cấp phép 23.035 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt hơn 212.626 tỷ đồng, tăng 7,6% về giấy phép và giảm 18,3% về vốn so với cùng kỳ.
Trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ có 18.747 doanh nghiệp được cấp phép, tăng 9,7% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 144.915 tỷ đồng, giảm 28,2%. Ngành kinh doanh bất động sản có 689 doanh nghiệp được thành lập, giảm 52,6%, vốn đăng ký đạt 26.750 tỷ đồng, giảm 63,5%.
Cục Thống kê TP.HCM cho rằng mức tăng trưởng 3,55% trong 6 tháng đầu năm nay tuy còn khiêm tốn nhưng phản ánh kết quả những cố gắng của chính quyền thành phố trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó, việc giảm lãi suất điều hành và nới lỏng chính sách tiền tệ đang phát huy tác dụng: Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng ổn định 8,01% so với cùng kỳ; nhiều dự án bất động sản được vay vốn để hoạt động.
Đồng thời, lạm phát hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng 69,1% về số dự án. Đồng thời, số vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp gấp 3,6 lần so với cùng kỳ đạt hơn 2,2 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ, điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng lựa chọn môi trường đầu tư của thành phố.