Trong văn bản mới nhất trình lên UBND TP.HCM, Sở GTVT liệt kê các công trình trọng điểm kết nối cảng biển nhiều năm chưa được đầu tư, hoặc những tuyến đường đang quá tải, đề xuất TP có kế hoạch đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường vành đai 2 đến Khu công nghiệp Phú Hữu (TP.Thủ Đức) đã có quyết định đầu tư, tổng vốn khoảng 1.630 tỉ đồng.
Với 6 dự án chuẩn bị đầu tư, có 3 dự án khép kín đường vành đai 2 như đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội với 8.591 tỉ đồng; đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng 8.458 tỉ đồng, đoạn từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh 9.240 tỉ đồng.
3 dự án tiếp theo gồm xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến đường vành đai đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy 1.219 tỉ đồng; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (578 tỉ đồng); xây cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỉ đồng).
4 dự án đề xuất mới gồm: Mở rộng đường vành đai đông (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy) từ 6 làn lên 12 làn; mở rộng trục đường Bắc Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) từ 4 làn lên 10 làn; nâng cấp cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1.
Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, kinh phí để thực hiện các dự án này khoảng 30.600 tỉ đồng. Sở GTVT đề xuất thành phố bổ sung nguồn vốn này vào vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Về phương án huy động vốn, Sở GTVT cho biết sẽ trích một phần từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển.
Được biết, TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4/2022, mức thu từ 15.000 đồng - 4,4 triệu đồng. Đến tháng 8/2022, thành phố giảm mức phí cho hàng vận chuyển bằng đường thủy nội địa, doanh nghiệp làm tờ khai ở địa phương khác.
Sau gần 5 tháng triển khai, tổng nguồn thu đạt gần 1.100 tỉ đồng. Tức mỗi tháng thành phố thu được trung bình hơn 220 tỉ đồng phí hạ tầng. Theo tính toán, trong 5 năm, số phí thành phố thu được khoảng 13.200 tỉ đồng. Một phần nhỏ sẽ được trích ra để duy trì công tác thu phí, phần còn lại sẽ được sử dụng để đầu tư các công trình quanh cảng.