22.200 phản ánh về lừa đảo trực tuyến:

Trang bị 5 nhóm kỹ năng chống lừa đảo cho người dân

Thời gian qua, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản. Người dân cần trang bị các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng để nâng cao cảnh giác.
nhan-dien-phong-chong-lua-dao-truc-tuyen-0941-1728889386.jpg
Ảnh minh họa.

Hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến trong một tháng
Cục An toàn thông tin vừa triển khai chiến dịch "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng" trên diện rộng từ ngày 10/10 đến ngày 20/11/2024.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Thời gian qua, người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.

Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Người dân - những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.

"Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục. Mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng", Cục An toàn thông tin khẳng định.

Để tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động chiến dịch "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng" dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị tham gia chiến dịch sẽ tập trung trang bị cho người dân 5 nhóm kỹ năng chính đã được Cục An toàn thông tin hướng dẫn cụ thể trong "Cẩm nang kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến", bao gồm: Kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ. Với mỗi nhóm kỹ năng, cẩm nang cung cấp từ những kỹ năng cơ bản đến các kỹ năng nâng cao.

Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, phối hợp với các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.

Liên tiếp xảy ra các vụ mạo danh, lừa đảo trên không gian mạng
Công an quận Long Biên (Hà Nội) đang tạm giữ đối tượng Phạm Văn Dũng (SN 1981, HKTT tại Trung Văn, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 2/10, Công an phường Đức Giang tiếp nhận đơn trình báo của chị M. (SN 1974, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) về việc bị một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng.

Theo đơn trình báo, chị M. có quen biết người đàn ông qua ứng dụng hẹn hò. Nhiều lần gặp gỡ, đối tượng tự giới thiệu là Nguyễn Hà Sơn, cán bộ Công an.

Khi tạo được sự tin tưởng với chị M., đối tượng đã lừa chị chuyển 100 triệu đồng. Sau đó, đối tượng lại tiếp tục hẹn đến nhà để dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M. nên Tổ công tác Công an phường Đức Giang đã bắt giữ đối tượng đang nhận 30 triệu đồng của chị M.

Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận tên thật là Phạm Văn Dũng (nghề nghiệp: tự do). Do cần tiền để tiêu xài cá nhân, Dũng lên ứng dụng hẹn hò và quen biết với chị M. Thấy chị M. nhẹ dạ cả tin nên đối tượng đã tự nhận mình là cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M.

Hiện Công an Công an quận Long Biên đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định.

Tương tự, vào tháng 5, Công an TP. Long Khánh (Đồng Nai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quang (SN 1990, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả danh công an nhân nhân để tạo lòng tin.

Theo đó, đối tượng hành nghề sửa chữa điện máy và đang gặp những khó khăn về tài chính. Cuối năm 2022, nhằm tạo thuận lợi cho việc làm quen rồi chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin, Quang đã đặt mua trang phục công an nhân dân, còng số 8,... trên qua mạng xã hội.

Sau đó, Quang đã sử dụng chức năng hẹn hò của mạng xã hội Facebook để làm quen với nhiều phụ nữ, trong đó có chị N.T.N.H. (ngụ TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Khi làm quen, Quang sử dụng thông tin giả là Nguyễn Đình Chung, đang công tác tại phòng ma túy thuộc Công an TP Hà Nội.

Từ tháng 3/2023 đến tháng 4/2024, Quang thường xuyên đưa ra nhiều thông tin như bản thân phải đi công tác vùng sâu, biên giới nguy hiểm, cần tiền đóng thuế đất, cần tiền để bồi thường thiệt hại và sửa chữa xe do bị tai nạn trong quá trình đi công tác, cần tiền để xin chuyển công tác từ lĩnh vực ma túy về lĩnh vực kinh tế để thuận tiện cho việc kết hôn.

Từ đó, đối tượng tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản của chị H. tổng cộng hơn 242 triệu đồng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 4, chị H. phát hiện Quang không phải là cảnh sát nên đã tố cáo đến công an địa phương.

Nhận diện thủ đoạn giả danh mới để lừa đảo người mua hàng
Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới là giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua hàng.

Các đối tượng lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách từ các nguồn không chính thống.

Khi có được thông tin khách hàng, các đối tượng giả danh shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân và thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Trường hợp nạn nhân ở nhà và nói để ra nhận hàng thì đối tượng hẹn 5-10 phút sẽ đến, sau đó cắt liên lạc, chặn số điện thoại. Nếu nạn nhân không có nhà thì đối tượng nói đã gửi hàng cho bảo vệ, người quen, hàng xóm và yêu cầu nạn nhân nhanh chóng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Khi nạn nhân chuyển tiền thành công thì đối tượng liền thông báo rằng mình đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper hoặc thông báo món hàng của nạn nhân đã bị thu hồi. Để lấy được số tiền nạn nhân đã chuyển mua hàng trước đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân nhập vào đường link do đối tượng cung cấp.

Khi nạn nhân click vào đường link sẽ có 1 đối tượng khác hướng dẫn nạn nhân cách thao tác đăng nhập qua app ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

"Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào những nạn nhân có thói quen mua hàng online, nhưng không hay nhận hàng trực tiếp" - chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Chị V.N.T., trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ câu chuyện chính mình bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo thông qua thủ đoạn mạo danh shipper trong khi chị là người rất cẩn thận khi nhận hàng đặt mua online.

Theo chia sẻ của chị T., chị có thói quen mua hàng online và thường nhận hàng tại địa chỉ nhà. Cuối ngày, khi chị về nhận hàng, kiểm hàng rồi mới thanh toán cho cơ sở.

Ngày 23/9, chị nhận được điện thoại của một shipper nói mình giao hàng và yêu cầu chị T. chuyển khoản. Thông thường chị T. vẫn giữ thói quen tối về kiểm hàng mới trả tiền nhưng hôm đó, người shipper gọi điện liên tục yêu cầu chị chuyển khoản số tiền 230.000 đồng.

Dù chưa biết món hàng là gì nhưng thấy shipper gọi điện liên tục nên chị đành chuyển khoản số tiền nói trên. Nhưng chỉ 5 phút sau khi chị T. chuyển tiền, shipper gọi điện thoại lại nói giao bị nhầm đơn, liên hệ tổng đài để lấy lại tiền.

Khi chị T. liên hệ với tổng đài, nhân viên ở đây nói chị đã gửi thanh toán vào tài khoản đăng ký làm shipper, hàng tháng tài khoản của nạn nhân sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định. Nếu chị T. không làm theo hướng dẫn thì hàng tháng sẽ bị trừ 4,5 triệu đồng. Nghi ngờ gặp đối tượng lừa đảo, chị T. cắt liên lạc, chấp nhận bị mất số tiền 230.000 đồng.

Theo chị T., số tiền chị bị mất chỉ có 230.000 đồng nhưng nhiều người xung quanh, có người bị mất tới hàng chục triệu đồng vì chiêu lừa này.

Cơ quan Công an đề nghị người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua; không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian.

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng ngay giao dịch và báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật.