Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), theo báo Đầu tư.
Theo nội dung tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Dự án có điểm đầu giao với đường đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tại Km1915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tổng chiều dài Dự án là khoảng 128,8 km, gồm đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước khoảng 99 km và khoảng 2 km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Chính phủ kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư dự án, trong đó giai đoạn 1, chính tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h tùy thuộc vào điều kiện địa hình; bề rộng nền đường 24,75 m (riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m); giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25m).
Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ chính tuyến cao tốc có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045 - 2050.
Đối với đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài khoảng 2 km sẽ được đầu tư theo quy mô đường cấp III, bề rộng nền đường 12 m.
Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 25.540 tỉ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn do nhà đầu tư thu xếp, trong đó vốn ngân sách nhà nước 12.770 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương khoảng 10.536,5 tỉ đồng, ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỉ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỉ đồng.
Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026. Cụ thể: chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành là một trong 3 tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư ở khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung đã được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023.
Hai tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ gồm cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ được khởi công trong năm 2024 và cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đang được trình Quốc hội phê duyệt.
Với dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành từ lâu đã nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp. Trong đó liên danh gồm hai “ông lớn” là Vingroup và Techcombank được biết đến là nhà đầu tư lập đề xuất dự án.
Tháng 10/2023, ông Nguyễn Hữu Đường - Tổng Giám đốc công ty TNHH Hòa Bình, cho biết mong muốn được tham gia tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa– Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo đại gia Đường “bia”, cho biết thời điểm đó doanh nghiệp của ông đã có nhiều bước chuẩn bị để tham gia đấu thầu dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Cụ thể, công ty đã cử đoàn cán bộ cùng chuyên gia Trung Quốc, Đức, Mỹ tư vấn khảo sát tuyến đường. Đoàn đã đưa ra được bản báo cáo kết quả khảo sát địa chất, địa hình, địa trạng, thủy văn…
Từ đó đưa ra phương án làm đường cao tốc vĩnh cửu (chịu được động đát cấp 8 và chịu được môi trường ngập úng lên đến 6 tháng mà chất lượng đường không thay đổi).
Doanh nghiệp này cũng đã tổ chức khánh thành đoạn đường cao tốc mẫu và tiến hành thử tải thành công.
Theo Tổng Giám đốc công ty TNHH Hòa Bình, doanh nghiệp của ông có nhiều kinh nghiệm khi đã xây dựng thành công nhiều tòa nhà cao tầng trong thời gian ngăn, chịu được động đất cấp 8 – 9… do đó, tự tin nếu được chọn thực hiện dự án cao tốc.