Tử vong do COVID tăng cao ở các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp

Biến thể Delta đang bùng phát ở châu Âu, và các nước Đông Âu với tỷ lệ tiêm chủng thấp do phong trào chống vaccine đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngày 6/11, Romania bắt đầu phải dùng máy bay vận tải quân sự để đưa bệnh nhân COVID-19 nặng sang Đan Mạch điều trị. “Tất cả các bệnh viện của đất nước đã quá tải,” Raed Arafat, người đang điều phối cuộc chiến chống COVID của Romania, cho biết. Khoảng 90 bệnh nhân Romania đã được sơ tán đến Đan Mạch, Đức, Hungary và các nơi khác. Các nhóm bác sĩ từ các nước khác ở Đông Âu cũng đang bay đến Romania để hỗ trợ chống dịch.

Nhìn chung, trên khắp châu Âu, biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng, và nhiều chính phủ đang dự tính hoặc đã áp đặt các biện pháp phong tỏa mới. (Ngày 16/10 ở châu Âu có 160.000 ca nhiễm mới, và trong một tháng trở lại đây, con số này liên tục tăng -ngày 10/11 có 310.000 ca nhiễm mới.) Nhưng làn sóng lây nhiễm lần này ở châu Âu đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến một loạt các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Trong vài tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã đạt mức cao kỷ lục ở Bulgaria, Latvia và Romania. Trong tuần từ ngày 1 đến ngày 8/11, cứ mỗi một triệu người Bulgaria thì có 22,8 trường hợp tử vong do COVID-19. Ở Romania, con số này là 21,8 và ở Latvia là 18,8. Tuy nhiên, đối với toàn bộ châu Âu, con số này chỉ là 3.0. Số trường hợp mắc bệnh cũng đang tăng vọt ở Croatia, Estonia, Lithuania, Slovenia và Ukraine.

Tất cả các quốc gia nói trên đều là các nước có tỷ lệ tiêm chủng vào dạng thấp nhất ở châu Âu. Chỉ 23% người Bulgaria và 34% người Romania đã tiêm đủ 2 mũi. Ở Latvia, tỷ lệ này hiện nay là 57%, nhưng vào tháng trước, khi dịch bệnh bùng phát, thì thấp hơn nhiều. Trong khi đó, trên toàn bộ châu Âu, tỷ lệ người đã tiêm đủ hai mũi trung bình là 66%.

tu-vong-do-covid-19-pld-1637137329.jpg
Ảnh minh họa.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp không phải do thiếu vaccine. Các quốc gia này đều có nguồn cung dồi dào, nhưng vấn đề nằm ở các nhóm chống vaccine rất đông và giành được niềm tin của công chúng. Trong khi đó, người dân ở các nước này mất lòng tin vào chính phủ và nhân viên y tế: Một cuộc khảo sát do Eurobarometer thực hiện vào đầu năm nay cho thấy chỉ có 22% người Bulgaria và người Croatia, 26% người Latvia, và 31% người Romania có xu hướng tin tưởng vào chính phủ của họ. Khi được hỏi liệu họ có tin tưởng nhân viên y tế hay không, 34% người Bulgaria cho biết họ không tin tưởng, cùng với 32% người Croatia, 31% người Latvia và 40% người Romania.

Thêm nữa, mức độ lây nhiễm ở các nước này vào mùa hè năm nay tương đối thấp, những người nghi ngờ vaccine không thấy cần phải tiêm, khiến họ dễ bị bệnh nặng khi biến thể Delta bùng phát. TS Arafat cho biết, trong số bệnh nhân COVID-19 nhập viện, 92% chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ thật có thể cao hơn, vì nhiều người thậm chí đã mua giấy chứng nhận tiêm chủng giả. Ở Romania, thậm chí có nhiều bác sĩ ủng hộ chống vaccine, và thông tin chống vaccine lan truyền khắp Facebook, Arafat giận giữ tố cáo.

Inga Springe, nhà báo của trang web tin tức Re: Baltica, nói, ở Latvia, các bác sĩ nổi tiếng cũng không lên tiếng rõ ràng về vấn đề tiêm chủng, và một số chính trị gia đang quảng bá bản thân là người chống vaccine vì sợ mất sự ủng hộ của các cử tri chống vaccine.

"Khi chính phủ đột nhiên có vẻ quan tâm đến bạn lần đầu tiên sau 30 năm, tất nhiên bạn trở nên nghi ngờ!" Oana Popescu, giám đốc GlobalFocus, một tổ chức tư vấn ở Romania, giải thích. Và ở Đông Âu không chỉ người Romania cảm thấy như vậy.