Vài suy nghĩ về việc thực hiện những lời khuyên và ước vọng đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một trong những di sản lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta đó là những lời chỉ bảo về tầm quan trọng, về nội dung của Đạo đức- một phương diện rất cơ bản của văn hóa. Bản thân cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu cho những khát vọng đạo đức mà Người đã nhiều lần nêu lên.

Có thể thấy những yêu cầu nghiêm khắc về đạo đức của người cách mạng là ý tưởng xuyên suốt trong các trước tác Người để lại cũng như trong thực tiễn đời sống và hoạt động của Người.

98ebac-ho-1-1662362036.jpeg
Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Bác Hồ (1958).

Từ năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu cuốn sách của mình bằng một mục lớn: “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó Người nhấn mạnh người cách mệnh phải “… giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất…. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm… Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể…”.

Mỗi người cách mạng đều phải gắn bó đời mình với Đảng cách mạng. Chính vì vậy mà yêu cầu đạo đức đối với mỗi cá nhân người cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong tổng thể Tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Sự phấn đấu đồng đều của mỗi cá nhân trong Đảng góp phần làm nên sức mạnh đạo đức trong Đảng, và ngược lại, vị thế, tầm cao đạo đức- tư cách (dưới góc độ một nhân tố lịch sử vĩ mô) của Đảng có thể ví như một thanh nam châm cực lớn định hướng toàn bộ tư cách- đạo đức của mỗi thành viên.

9c3bac-ho7972334-1752020-1662362036.jpeg
Bác Hồ đi thăm trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Ảnh: tư liệu

Năm 1947, hai năm sau khi Cách mạng tháng Tám do Đảng lãnh đạo thành công, vào thời kỳ thử thách khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch, với tri thức thông tuệ của một học giả lớn, với sự nhạy cảm chính trị hiếm thấy của một chiến sĩ cách mạng dày dạn kinh nghiệm, đã nêu lên một cách sáng rõ 12 yêu cầu về tư cách của một Đảng cách mạng.

Người viết:

1 - Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

2 - Cán bộ của Ðảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

3 - Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương.

4 - Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không.

5 - Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Ðảng. Mọi công tác của Ðảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6 - Mỗi công việc của Ðảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng.

7 - Mỗi công việc của Ðảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát. Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường với lợi ích lâu dài của dân chúng.

8 - Ðảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Ðảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên.

9 - Ðảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

10 - Ðảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài.

11 - Ðảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Ðảng.

12 - Ðảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Ðảng.

Muốn cho Đảng được vững bền. Mười hai điều đó chớ quên điều nào.

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H-1995, tập 5, tr 249-250).

Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại những lời khuyên bảo sâu sắc của Người, chính ta thấy rõ ràng tinh thần và lời văn của không ít điều đã nêu ở trên không được thực hiện một cách thẳng thắn và nghiêm túc, và hậu quả là uy tín của Đảng có nơi có lúc đã bị tổn thương, “tư cách của Đảng” bị xâm hại, đạo đức của không ít cá nhân đảng viên bị sa sút theo (Đây có thể là đề tài riêng cho một loạt những ý kiến trao đổi học thuật hết sức bổ ích và cần thiết).

Vào những tháng cuối cùng của cuộc đời mình, khi viết những lời di chúc nhắn gửi Đảng và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng Đảng về mặt đạo đức. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trọng sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Thấy rõ nguy cơ thoái hóa biến chất của một bộ phận đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra sự khó khăn phức tạp của việc giữ gìn đạo đức cách mạng trong mỗi một con người: “Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót”. (Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, H-1996, tr.36). Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo một cách sâu sắc: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12 NXB CTQG, H-1996, tr. 557).

Trong cuộc “đấu tranh không tiếng súng” để bảo vệ “sự vĩ đại, sức hấp dẫn lớn” đã có được trong quá khứ này, thắng lợi khá nhiều, nhưng xem ra sự đổ bể cũng không phải là ít. Xin trích dẫn một vài nhận xét của các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm:

“Phải thừa nhận rằng, ở không ít nơi trong đội ngũ cán bộ vẫn có những biểu hiện trì trệ và yếu kém trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng; suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, để xảy ra tình trạng quan liêu, lãng phí, thất thoát, tham nhũng, mất đoàn kết nội bộ…”.

“… Một số cán bộ đảng viên do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối đã lợi dụng cơ quan đơn vị, tổ chức, lợi dụng chức quyền… để mưu cầu lợi ích cá nhân. Họ sẵn sàng “liên minh” với nhau thành những “đường dây” để đục khoét của cải của nhà nước, của tập thể. Lúc đó, tập thể, tổ chức chỉ còn là cái bình phong để che đậy cho động cơ và hành vi cá nhân chủ nghĩa của họ. Đây thực sự là nỗi nhức nhối của xã hội, gây bất bình trong nhân dân và là nỗi đau của Đảng”.

(Nguyễn Phú Trọng: Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cầm quyền, báo Hà Nội mới, ngày 16/5/2000).

“… Một bộ phận không nhỏ trong Đảng không thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trượt ngã vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, trở thành những phần tử quan liêu, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, hối lộ, làm xói mòn niền tin của nhân dân với Đảng”.

(Nguyễn Đức Bình: Giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân, ngày 17/5/2000).

Chúng ta hoàn toàn nhất trí với những nhận định nghiêm khắc trên đây.

Không cần phải điều tra, khảo sát, thống kê gì nhiều, cũng có thể thấy rõ một độ vênh khá lớn giữa những lời dạy bảo, những ước vọng đạo đức cao cả mà Hồ Chủ tịch đã nêu với thực trạng đạo đức hiện nay của không ít cán bộ đảng viên, của một phần xã hội quanh ta.

Vì sao lại có tình trạng “gieo vừng ra ngô”, “trồng cây táo lại nảy cây bạch đàn” như vậy? Vì sao càng hô hào chống tham nhũng, tham nhũng dường như lại mọc thêm đầu thêm tay như ác quỷ trong chuyện cổ tích? Vì sao càng kêu gọi tinh thần “làm đầy tớ dân” của các cơ quan công quyền thì dường như người dân lại càng phải gặp nhiều hơn vô số những vòi vĩnh, sách nhiễu của đủ loại nhân viên- từ thuế vụ, hải quan, địa chính, nhà đất, xây dựng đến anh cảnh sát giao thông đứng đường?...

Câu trả lời theo thiển nghĩ của tôi là do chính ta chưa quan tâm đầy đủ đến việc xác lập một cơ chế sao cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong xã hội chỉ còn một lựa chọn duy nhất là sống trung thực, sống tốt.

Không một quyền lực nào có thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài sự kiểm soát của dân. Không ai có thể sắm cái vai phi lý là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Để thực thi chân lý phổ biến “Phê bình và tự phê bình là động lực của sự phát triển” thì không một sự phê bình với thiện ý xây dựng nào lại có thể bị trù dập, trấn áp bóp vỡ từ trong trứng nước. Tài sản chung không thể là thứ tài sản “công hữu vô chủ” khích lệ lòng tham của những kẻ được toàn quyền sử dụng. Không một ý đồ vơ vét tham lam nào lại không bị chặn đứng bởi những quy định, quy chế rạch ròi, phân minh. Không một “mưu ma chước quỷ” nào lại có thể được ẩn náu an toàn trong bóng đêm của sự bưng bít thông tin… không một ai có thể “thăng quan tiến chức” thông qua những cuộc mặc cả xầm xì từ cửa sau. Mọi người đóng thuế đều cần phải biết đồng tiền của họ được tiêu pha thế nào để không một đồng thuế nào của dân có thể bị chi tiêu theo kiểu “bật tường”, “đi đêm” mà không bị phơi bày ra trước công luận.

Dân chủ và minh bạch là hai mặt không thể tách rời của một tờ giấy trắng, là chìa khóa để chặn đứng mọi hành vi phạm pháp và thoái hóa nhân cách. Đừng trông mong gì nhiều vào cái gọi là sự thành khẩn “tự phê bình” của các vị quan tham, các vị “công bộc” quen sách nhiễu dân để trục lợi, Nói như K.Marx, ở đây “vũ khí phê bình” không thể thay thế được sự “phê bình bằng vĩ khí”!...

Đến đây chúng ta đã có thể thấy rõ mối liên hệ khăng khít như hình với bóng giữa việc hình thành nhân cách, đạo đức cá nhân và yêu cầu hợp lý hóa môi trường xã hội. “Nếu hoàn cảnh tạo thành tính cách thì cần phải làm cho hoàn cảnh đó trở nên có tình người hơn”, - lời dạy đó của K.Marx chưa bao giờ mất đi tính đúng đắn của nó.

Chăm lo vun xới cho sự phát triển lành mạnh của tính cách, đạo đức con người cũng có nghĩa là nhận thức rõ quy luật khách quan của sự vật nhằm tạo ra được một cơ chế hữu hiệu cho việc nuôi dưỡng đạo đức chân chính, có khả năng tự nó sàng lọc, loại bỏ những gì phê đạo đức phản con người.

Để kết thúc bài viết chắc chắn còn nông cạn và sơ sài này (chung quanh một vấn đề hết sức lớn và phức tạp), tôi xin phép dẫn một ý tưởng sâu xa của nhà viết kịch Đức vĩ đại Bertolt Brecht:

“Mục tiêu của chúng ta là xây dựng một xã hội sao cho, trong đó, lòng tốt trở nên thừa”! Bởi khi đó, lòng tốt trở nên hiển nhiên, đương nhiên như khí trời mà người ta vẫn thường quên rằng mình đang thở hít, không ai còn phải “ồ lên” ngạc nhiên vui sướng khi gặp một người tốt, một việc làm tốt hiếm hoi (như kiểu trả lại tiền thừa, không chiếm dụng của cải người khác đánh rơi…).

Con đường đi tới một xã hội công dân như thế tôi cho là tất yếu, dù vẫn biết còn phải trải qua vô vàn chông gai, còn phải vượt qua trăm ngàn rào cản và còn… xa vời lắm thay!