Vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước bị xử phạt như thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí, tập trung, tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Không có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển khi hoạt động trên biển.

Tỉnh Điện Biên đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (Ảnh: Trần Sơn - Hải Yến).

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không có biện pháp bảo đảm an toàn để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; Không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước; Không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền khi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.

Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi vi phạm: Không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại.

Đồng thời, đối tượng vi phạm bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, đối tượng có thể bị xử phạt khi có hành vi vi phạm các quy định về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không xây dựng phương án ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; Không trang bị đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra; Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước.

Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra.

Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố do hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Như vậy, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm mà các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ đưa ra mức phạt phù hợp.