Vì sao Elon Musk đổi thương hiệu Twitter thành X?

Twitter khoác lên mình diện mạo mới, logo chú chim xanh Larry huyền thoại đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh chữ X. Và cái tên Twitter cũng biến thành X.
elon-musk-vua-he-lo-viec-thay-doi-logo-pld-1690446255.jpg
Elon Musk vừa hé lộ việc thay đổi logo vào Chủ Nhật, 23/7/2023, thì ngay ngày Thứ Hai, 24/7/2023, người dùng Twitter đã thấy mọi thứ thay đổi, từ cái tên Twitter cho đến logo chú chim quen thuộc.

Sự lột xác của Twitter, giờ đây là X, diễn ra chưa đầy một năm sau khi Elon Musk hoàn tất thương vụ mua lại công ty mạng xã hội này với số tiền 44 tỷ USD. Kể từ đó, Twitter thuộc quyền quản lý của X Holdings II, Inc., công ty mà Musk đang nắm toàn quyền, từ chủ tịch, tài chính cho đến thư ký.

Không biết vì lý do gì mà Elon Musk rất thường hay sử dụng chữ X trong các công ty hoặc sản phẩm của mình. Chẳng hạn tên miền trước đó của Paypal là X.com (giờ đây tên miền này trỏ thẳng về Twitter.com). Hoặc chiếc SUV điện hạng sang đầu tiên của Tesla có tên Model X. Công ty hàng không vũ trụ của ông cũng có chữ X trong tên (SpaceX).

Các chuyên gia có những cái nhìn khá đa chiều về việc Twitter đổi thương hiệu.

Marcus Collins, giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh tế Ross – Đại học Michigan, cho rằng đó là dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Hiện tại tình hình của Twitter không suôn sẻ gì mấy, khi các đối thủ mới như Spill hoặc Threads (Meta) đang phát triển với tốc độ chóng mặt và cạnh tranh trực tiếp với Twitter.

Tuy nhiên đối với Musk và Twitter, họ có lý do hợp lý cho động thái của mình. Chẳng hạn điều này giúp họ tiến gần hơn đến việc phát triển mô hình siêu ứng dụng, đánh dấu sự thay đổi của công ty sau một năm đầy biến động với các đợt sa thải hoặc những thay đổi không được lòng người dùng.

Elon Musk từng nhiều lần nói về việc tạo ra một app có nhiều dịch vụ, giống như siêu ứng dụng WeChat, có thể vừa nhắn tin, vừa chơi game, vừa thanh toán và nhiều thứ khác. Theo ông, việc đổi thương hiệu Twitter thành X là bước tiếp theo để tạo ra “siêu ứng dụng X.”

Tham vọng của X được thể hiện rõ qua bài đăng của CEO Linda Yaccarino: “X là nơi tương tác không giới hạn trong tương lai, gồm cả âm thanh, hình ảnh, tin nhắn, thanh toán/ngân hàng, tạo nên một sàn thương mại toàn cầu để người dùng phát triển ý tưởng, mua bán hàng hóa, dịch vụ và cơ hội. Với trí tuệ nhân tạo, X sẽ kết nối chúng ta theo cách mà chưa ai có thể tưởng tượng được.”

Để hoàn thành tham vọng này, đồng thời cân bằng nhu cầu giữa người dùng và nhà quảng cáo, Musk đã thành lập một đội ngũ mới tại công ty mạng xã hội này.

Twitter không phải là công ty mạng xã hội duy nhất từng tiến hành thay đổi thương hiệu.

Trước đó, vào năm 2021, Facebook đổi tên thành Meta Platforms nhằm thể hiện bản thân công ty này đang tập trung vào vũ trụ ảo và tránh xa các vụ lùm xùm. Chẳng hạn năm 2016, Facebook dính vào bê bối dữ liệu Cambridge Analytica khiến giá cổ phiếu giảm sâu. Hoặc năm 2020, Facebook bị lôi kéo vào các chiến dịch tẩy chay “Stop Hate for Profit”.

Tương tự vậy, việc Twitter đổi thành X có thể giúp công ty “mới” này tách biệt toàn hoàn với những rắc rối, tranh cãi gần đây và tập trung hoàn toàn vào các mục tiêu mới.

Động thái của Twitter diễn ra trong bối cảnh còn 16 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Bản thân Twitter cũng chưa xác định họ sẽ có chính sách như thế nào với quảng cáo chính trị.

Nếu thành công, X có thể “trút gánh nặng” từ Twitter, đồng thời giữ chân các nhà quảng cáo bằng việc tạo nên các trải nghiệm có thể tiếp cận sâu một nhóm đối tượng cụ thể.