Vietnam Motor Show 2023 - sự kiện lớn nhất ngành xe Việt có thể bị hủy

Những khó khăn của thị trường, sự kém mặn mà từ các doanh nghiệp cộng hưởng cùng sức mua yếu có thể khiến Vietnam Motor Show 2023 - sự kiện lớn nhất ngành xe Việt sẽ không diễn ra như lịch thường niên.

Sau hai năm bị hủy vì ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Vietnam Motor Show (VMS) đã được tổ chức trở lại vào tháng 10 năm 2022. Tuy nhiên, sự kiện lớn nhất ngành xe Việt này rất có thể sẽ không diễn ra trong năm 2023. 

Nguyên nhân dẫn đến sự "lỡ hẹn" trên xuất phát từ một số lý do như sau:

Thị trường ô tô khó khăn, sức mua yếu

Trong bối cảnh kinh tế chung của tất cả các nhóm ngành đều không quá khởi sắc, lãi suất ngân hàng vẫn nương ở mức cao, các nhóm ngành mũi nhọn như bất động sản, chứng khoán, xây dựng đều thanh khoản kém đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ của toàn thị trường ô tô ngay từ đầu năm. 

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng xe bán ra giảm liên tiếp trong tháng 4 và 5. Riêng tháng 5, doanh số toàn thị trường giảm 8% theo tháng và giảm tới 53% theo năm khi chỉ đạt 20.726 xe bất chấp hãng cũng như đại lý liên tục tung ra loạt chính sách kích cầu hấp dẫn, thậm chí giảm giá hàng trăm triệu đồng.

vietnam-motor-show-2023-su-kien-lon-nhat-nganh-xe-viet-co-the-bi-huy-pld-1687616649.jpg
Vietnam Motor Show 2023 - sự kiện lớn nhất ngành xe Việt có thể bị hủy? Ảnh: BTC VMS

Sức tiêu thụ giảm mạnh kéo theo áp lực tồn kho tại các đại lý và hãng cũng từ đó tăng lên. Theo chia sẻ từ tư vấn viên tại một showroom chính hãng ở Hà Nội, chưa năm nào lượng hàng tồn kho kéo dài như năm nay, gần hết quý 2 vẫn chưa giải phóng xong.

Không chỉ hoạt động mua, bán xe gặp khó, mà nhóm ngành phụ kiện ô tô cũng đang chịu tác động tương tự. Do đầu ra kém nên những món phụ kiện như đèn, bodykit, la-zăng... vốn từng mang về phần lớn doanh thu cho các cửa hàng nay gần như trở thành hàng tồn kho.

Chi phí dành cho triển lãm lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng

Đại diện một hãng xe Đức chia sẻ: "Thị trường trầm lắng ngay từ những tháng đầu năm do các tác động kinh tế vĩ mô, sức mua yếu và không rõ khi nào mới cải thiện. Thêm nữa là kinh phí dành cho triển lãm lớn, lại không mang lại hiệu quả tương xứng nên các hãng đồng thuận hoãn tổ chức triển lãm 2023".

Đồng quan điểm, một quản lý bán hàng lâu năm cho hay, kinh phí tham gia triển lãm lên tới hơn chục tỷ đồng. Khoản tiền này có thể đủ cho một tháng khuyến mãi với các dòng xe bán chạy.

Thống kê tại triển lãm VMS 2022, đã có gần 2.000 xe được chốt bán cùng hàng nghìn đơn đặt hàng đặt trước dành cho các mẫu xe sắp bán ra thị trường, ghi nhận cao nhất từ trước đến nay. Song, so với chi phí mà các hãng xe bỏ ra để tham dự triển lãm thì con số này vẫn "chưa thấm vào đâu".

Có lẽ đây là một trong những lý do khiến các thương hiệu như BMW, Mazda, KIA, Hyundai, Nissan, Jaguar, Land Rover, Ford hay VinFast đã không còn "mặn mà" với VMS ngay từ năm 2022.

Các hãng chưa có nhiều sản phẩm mới

Từ đầu năm đến nay, ngoài một số thương hiệu ô tô Trung Quốc dự kiến sẽ gia nhập thị trường Việt Nam thì không có nhiều thông tin về việc các "ông lớn" trong ngành xe Việt sẽ tung ra sản phẩm mới. Có lẽ do đã tổng lực ra mắt vào thời điểm nửa cuối năm 2022 nên các hãng chưa có nhiều mẫu xe mới để chuẩn bị cho năm nay.

vms-2022-pld-1687616649.jpg
Lượng xe "chốt đơn" thành công tại VMS 2022 cao nhất từ trước đến nay nhưng vẫn chưa bõ bèn gì so với chi phí mà các hãng đã phải bỏ ra. Ảnh: Oto.com.vn

Về vấn đề này, ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Tổ chức Vietnam Motor Show từng cho biết: "Bên cạnh lý do tình hình kinh tế khó khăn, còn một nguyên nhân nữa khiến các hãng xe không tham gia triển lãm là bởi các hãng chưa có nhiều mẫu xe mới cho năm nay và cần thêm thời gian để định hướng phát triển sản phẩm mới cũng như cần định hướng rõ ràng hơn ở tầm vĩ mô để phát triển ngành công nghiệp ô tô."

Triển lãm Ô tô Việt Nam là sự kiện ô tô có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, quy tụ hàng loạt các hãng xe danh tiếng với các hoạt động hấp dẫn như giới thiệu xe mới, biểu diễn công nghệ, trải nghiệm thực tế thông qua công nghệ VR,... Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các hãng xe tăng sức ảnh hưởng trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các hoạt động tương tác ngay trong khuôn khổ sự kiện, bao gồm cả hoạt động lái thử xe để khách hàng có cảm giác thực sau vô lăng. Đồng thời, khách hàng có nhu cầu đặt xe tại gian hàng trong sự kiện cũng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và quà tặng hấp dẫn.

Năm ngoái, VMS 2022 đã thu hút 14 hãng xe tham dự cùng 237.000 lượt khách tham quan trong 5 ngày tổ chức sự kiện, bao gồm các đại diện các cơ quan chính phủ, truyền thông và giới yêu xe. Được biết, tại sự kiện này, 14 hãng xe đã mang đến tổng cộng hơn 120 sản phẩm xe hơi nổi bật, bao gồm các mẫu xe thuần điện như Toyota b4ZX, Mercedes-Benz EQS, Audi e-tron, MG4 Electric hay MG Marvel R; mẫu xe công nghệ của tương lai Lexus LF-Z; mẫu xe ý tưởng Mitsubishi XFC,...

Dù đơn vị tổ chức VMS chưa lên tiếng xác nhận về việc sự kiện này sẽ bị hủy trong năm 2023, nhưng nếu VMS 2023 không thể diễn ra như lịch thường niên cũng là điều dễ hiểu. Bởi, thị trường hiện nay vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc, những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô chưa được tháo gỡ, sức tiêu thụ kém, hàng tồn kho còn nhiều, liệu rằng các hãng có "mặn mà" để tham gia triển lãm?