Vụ Thuduc House: Vai trò của nữ kế toán trong quá trình chuyển 1.700 tỉ đồng ra nước ngoài

Trả lời HĐXX vụ Thuduc House, bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh (cựu Kế toán Công ty Vùng đất máy tính) phủ nhận toàn bộ cáo trạng liên quan tới bị cáo, cho rằng bản thân không biết các hợp đồng ký kết là hợp đồng khống và mua bán hàng hoá giả tạo.

TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và các đơn vị liên quan. Phiên xử sơ thẩm diễn biến đến phần xét hỏi các bị cáo.

cac-bi-cao-tai-phien-toa-pld-1686322217.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Nữ kế toán phủ nhận lời khai

Theo báo Tiền Phong, bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh (cựu Kế toán Công ty Vùng đất máy tính) trả lời HĐXX, phủ nhận toàn bộ cáo trạng liên quan tới bị cáo.

“Bị cáo hoàn toàn không thực hiện cân đối dòng tiền như cáo trạng vì công việc hằng ngày là chuyển tiền đến tài khoản do ông Dũng theo chỉ đạo. Bản thân không biết và cũng không thể biết được những hợp đồng ký kết là hợp đồng khống và mua bán hàng hoá giả”- bị cáo Quỳnh nói.

Theo cáo trạng, bị cáo Quỳnh có vai trò quản lý thu chi, cân đối dòng tiền, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt 374 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh. Bị cáo Quỳnh được hưởng lợi 226 triệu đồng. Hành vi của bị cáo Quỳnh, theo Viện Kiểm sát là phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, bị cáo Quỳnh còn có hành vi quản lý, theo dõi hoạt động chuyển tiền giữa các công ty trong và ngoài nước, để hợp thức hóa việc vận chuyển trái pháp luật 1.760 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, phạm vào tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đáng chú ý, cáo trạng vụ án cũng ghi nhận bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, làm cơ sở để giải quyết vụ án nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên tại phiên xử, bị cáo này đã phủ nhận các thông tin trong cáo trạng.

Nhiều thủ đoạn chuyển tiền ra nước ngoài

Ghi nhận của báo Tuổi trẻ, theo cáo trạng, từ năm 2016 - 2020, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo việc thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để thực hiện tội phạm.

Cụ thể, Dũng sử dụng pháp nhân là hàng chục công ty tại các nước Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia…để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại.

Trong nước, Dũng chỉ đạo nhiều người thuê chứng minh thư hoặc sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập các công ty với mục đích chuyển tiền trái phép qua biên giới.

Theo chỉ đạo của Trịnh Tiến Dũng, các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa. Sau đó các công ty trong nước lập hồ sơ bán hàng đã được nâng khống giá trị cho các công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép qua biên giới.

cac-bi-cao-thuoc-cong-ty-thuduc-house-co-vai-tro-giup-suc-cho-trinh-dinh-dung-pld-1686322217.jpg
Các bị cáo thuộc công ty Thuduc House có vai trò giúp sức cho Trịnh Đình Dũng

Để tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo việc làm giả linh kiện điện tử (ram, chip) có dung lượng, tốc độ cao từ các loại linh kiện dung lượng, tốc độ thấp hoặc không có nguồn gốc xuất xứ.

Số hàng giả này được dùng để hợp thức cho hàng hóa xuất khẩu cho các công ty khác nhau nhưng đều được vận chuyển đến Campuchia hoặc Hong Kong sau đó quay vòng về Việt Nam.

"Thông qua việc thanh toán tiền mua hàng và hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm đã chiếm đoạt của Nhà nước toàn bộ tiền thuế giá trị gia tăng", cáo trạng nêu.

Cáo trạng xác định Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm lập bộ hợp đồng, chứng từ xuất, nhập khẩu khống, vận chuyển trái phép hơn 75,5 triệu USD qua biên giới, tương đương hơn 1.700 tỉ đồng.

Trong đó vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài hơn 1.200 tỉ đồng, vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam hơn 500 tỉ đồng.