“Vua gỗ” Trường Thành và khoản tiền 1.032 tỉ ứng trước từ Vinhomes

Thuý Hà

14/04/2023 16:37

Theo dõi trên

Vừa có lãi trở lại trong hai năm 2020-2021, đến năm 2022, Gỗ Trường Thành lại báo lỗ hơn 1 tỉ đồng sau kiểm toán. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang phải trả khoản lãi hàng trăm tỉ đồng với lãi suất 5,5%/năm cho khoản tiền 1.032 tỉ đồng ứng trước từ Vinhomes

Thay tên có đổi vận?

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.

go-truong-thanh-pld-1681464834.png
Gỗ Trường Thành đang phải trả khoản lãi hàng trăm tỉ đồng với lãi suất 5,5%/năm cho khoản tiền 1.032 tỉ đồng ứng trước từ Vinhomes

Cụ thể, bên cạnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 54 tỉ đồng, Gỗ Trường Thành dự kiến đổi tên thành Công ty Cổ phần TTF theo Nghị quyết đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua.

Mục đích thay đổi được đưa ra trong ĐHĐCĐ năm ngoái của Gỗ Trường Thành là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty trong giai đoạn mới, mở rộng thị trường theo định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đồng thời, ĐHĐCĐ năm 2022 cũng thông qua việc huỷ phương án đổi tên công ty thành CTCP ToTal Furniture do nhận thấy phương án đổi tên này chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh doanh của công ty trong giai đoạn mới.

Năm 2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 2.014 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ sau thuế hơn 1,2 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 2,5 tỉ đồng. Trước đó, báo cáo tự lập của công ty này vẫn báo lãi hơn 6 tỉ đồng.

Theo ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành, năm 2023 vẫn sẽ là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và công ty nói riêng khi tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài. Điều này khiến các doanh nghiệp cạnh tranh về giá bán sản phẩm để lấy đơn hàng sản xuất, làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra càng thấp. Đây sẽ là thách thức cho Gỗ Trường Thành trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất.

Mặc dù tình hình tài chính có nhiều điểm sáng với doanh thu liên tục tăng trưởng, những khó khăn của Gỗ Trường Thành vẫn chưa qua đi.

Ứng trước tiền từ Vinhomes với lãi suất 5,5%/năm

Hiện tại, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp một thời gắn với biệt danh "vua gỗ" vẫn còn mất cân đối khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Tính đến cuối năm 2022, Gỗ Trường Thành còn lỗ lũy kế hơn 3.070 tỉ đồng.

go-truong-thanh-se-day-manh-hop-tac-voi-cac-chu-dau-tu-bat-dong-san-lon-pld-1681464834.jpeg
Gỗ Trường Thành sẽ đẩy mạnh hợp tác với các chủ đầu tư bất động sản lớn trong nước để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận

Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, Gỗ Trường Thành đang phải trả khoản lãi hàng trăm tỉ đồng dựa trên số tiền 1.032 tỉ đồng do Vinhomes trả trước từ năm 2017.

Cụ thể, vào tháng 5.2017, Gỗ Trường Thành được chọn là nhà cung cấp chiến lược sản phẩm gỗ thành phẩm cho các dự án của Vinhomes và các công ty con với tổng giá trị dự kiến lên đến 16.000 tỉ đồng. Cùng thời điểm, Vingroup và công ty con là Vinhomes đã đặt cọc lần lượt 70,4 tỉ đồng và 1.032 tỉ đồng với lãi suất thả nổi.

Tuy nhiên từ 2019, Gỗ Trường Thành mới công bố chi tiết khoản lãi phải trả cho Vinhomes. Mức lãi suất được ghi nhận trong năm 2022 là 5,5%, đây là mức lãi suất thấp đặc biệt so với các khoản vay trong thời gian này, thường không dưới 10%/năm.

Khác với một khoản vay thông thường, dù phải chịu lãi suất, số tiền đặt cọc này không được ghi nhận là nợ vay, do đó các chỉ số nợ của Gỗ Trường Thành cũng trở nên “dễ chịu” hơn.

Gỗ Trường Thành cho biết, vào ngày 15.5.2022, hai bên đã gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm nữa, đến  năm 2027. Vì vậy, công ty đã thay đổi kỳ hạn ghi nhận từ ngắn hạn sang dài hạn.

Nhờ khoản tiền nghìn tỉ ứng trước từ Vinhomes, Gỗ Trường Thành đã trả nợ các khoản lãi vay từ ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2017, nợ vay của công ty còn gần 900 tỉ đồng, giảm hơn 1.740 tỉ đồng so với năm 2016. Các khoản nợ vay của Gỗ Trường Thành cũng liên tục giảm từ năm 2017 trở về sau.

Mặc dù nợ vay liên tục đi xuống nhưng chi phí lãi vay của Gỗ Trường Thành vẫn tăng nhẹ trong năm 2022. Cụ thể, cuối năm 2022, chi phí lãi vay của công ty ghi nhận hơn 63 tỉ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm.

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành khẳng định, “Công ty đã đi qua điểm hoà vốn và từ bây giờ là giai đoạn tăng trưởng”.

Định hướng trong năm 2023, Gỗ Trường Thành sẽ đẩy mạnh hợp tác với các chủ đầu tư bất động sản lớn trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thị trường xuất khẩu để đa dạng hóa tệp khách hàng, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Bạn đang đọc bài viết "“Vua gỗ” Trường Thành và khoản tiền 1.032 tỉ ứng trước từ Vinhomes" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com