Hai thập kỷ làm bất động sản
Khởi nghiệp năm 1992 bằng hoạt động mua bán máy móc xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã từng bước mở rộng sang lĩnh vực nội thất, ống thép, sản xuất thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản, thép cuộn cán nóng, tôn mạ, nông nghiệp. Và gần đây nhất là sản xuất hàng điện máy gia dụng và vỏ container rỗng.
Năm 2001, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long chính thức bước chân vào lĩnh vực bất động sản, mở đầu bằng việc thành lập CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát trên cơ sở Ban xây dựng cơ bản của Hòa Phát.
Tới cuối năm 2020, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành được quản lý theo từng tổng công ty độc lập. Trong đó, lĩnh vực bất động sản do doanh nghiệp mới thành lập khi đó là CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát đảm nhiệm.
Tại thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của công ty này là 2.000 tỉ đồng và đến thời điểm cuối năm 2022 đã tăng lên mức 6.000 tỉ đồng.
Là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, có thể thấy rằng việc đa dạng hóa các ngành nghề là con đường bắt buộc mà Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải làm. Bởi vì, khi đã chiếm được thị phần gang thép đáng kể trong nước, Hòa Phát cần tìm thêm động lực mới để tăng trưởng, đó chính là lĩnh vực bất động sản với mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Hòa Phát tham gia vào bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và bất động sản đô thị.
Hiện tại, Hòa Phát đang sở hữu và vận hành 3 KCN, bao gồm: KCN Phố Nối A có quy mô hơn 688,94ha (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc - 131ha (Hà Nam), KCN Yên Mỹ II - 313,5ha (Hưng Yên). Tổng quỹ đất KCN được phê duyệt quy hoạch là 1.133ha.
Tại KCN Phố Nối A, tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 87% với 136 doanh nghiệp thuê đất. Giai đoạn 1, khu công nghiệp Yên Mỹ II có tỉ lệ lấp đầy đạt 100%. KCN Yên Mỹ II được quy hoạch nhằm thu hút đầu tư trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất sạch, ít gây ảnh hưởng tới môi trường.
Công ty cũng được chấp thuận đầu tư dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng tại Hưng Yên, với diện tích phần mở rộng 216ha, tổng vốn đầu tư 2.682 tỉ đồng. Kế hoạch trong 10 năm tới, Hòa Phát sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500ha. Các dự án bất động sản nhà ở đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Trước đó, Hòa Phát của ông Trần Đình Long cũng sở hữu loạt bất động sản tại Hà Nội như Tòa nhà Hòa Phát tại số 257 Giải Phóng, Khu phức hợp Mandarin Garden, Khu phức hợp Mandarin Garden 2, hay Tòa văn phòng cho thuê số 70 Nguyễn Đức Cảnh; bên cạnh dự án đang triển khai như Khu đô thị Bắc Phố Nối tại Hưng Yên (262ha).
"Đi bằng hai chân" trên bất động sản
Vua thép Hòa Phát từng đầu tư vào bất động sản nhưng chỉ ba năm gần đây, mảng kinh doanh này mới được xác định là một trong những lĩnh vực chiến lược.
Tại phiên họp thường niên năm ngoái, ông Long, Chủ tịch Hòa Phát, khẳng định với các cổ đông rằng "không ai có thể làm thép mãi".
"Với quy mô như vậy, sớm muộn Hòa Phát cũng phải hướng tới mô hình đa ngành", ông Long nói và cho biết, một trong những hướng đi trọng tâm của tập đoàn này là bất động sản nhà ở.
Theo đó, Hòa Phát dự tính sẽ đi bằng hai chân trong mảng này. Một phần tập đoàn sẽ tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để xây dựng khu đô thị, tiến hành các bước từ đầu như đấu giá đất, xin quy hoạch, lập dự án...
Ngoài ra, Hòa Phát cũng tính đến phương án M&A các dự án có sẵn để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ không M&A bằng mọi giá và "chỉ làm khi thấy lợi".
Tại ĐHĐCĐ năm nay, khi được hỏi lại về tham vọng về lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hoà Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào.
"Vào thời điểm hiện tại, tập đoàn đang tập trung cao độ vào dự án Dung Quất 2 với hơn 75.000 tỉ đồng. Một lần nữa tôi khẳng định chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi thận trọng, vững chắc", ông Long nói.
Nhắc lại chiến lược của Hòa Phát, thay vì mua đất để làm dự án, tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu ở các địa phương. Ông Long đánh giá hướng đi này có triển vọng tốt do tham gia đầu tư từ đầu ở các địa phương.
“Cái này rất lâu, cứ bình tĩnh làm chứ không đặt mục tiêu phải có bao nhiêu hecta. Tôi vui mừng thông báo là chúng ta đang làm rất mạnh về pháp lý nên không bỏ nhiều tiền mua dự án, không chạy đua ở giai đoạn trước nên giờ có tiền để làm Dung Quất 2. Tương lai có thể bỏ tiền mua dự án khác nhưng thời điểm này thì chưa”, ông Long nói.
Giải đáp thắc mắc của một số cổ đông vì sao một số bất động sản chưa thể mở bán, ông Long thừa nhận công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đã tương đối tốt. Tuy nhiên, dự án Phố Nối cũng như các dự án khác ở Hưng Yên và trên cả nước đều đang gặp vấn đề về hồ sơ pháp lý, thủ tục, chính sách... Do đó, bất động sản chỉ vì yếu tố khách quan nên mới chưa mở bán chứ không có lý do gì khác.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, “Hòa Phát chỉ bán khi đã có đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý, đặc biệt về vấn đề sử dụng đất”.
Năm 2022, mảng bất động sản mang về cho Hòa Phát 686 tỉ đồng doanh thu và gần 298 tỉ lợi nhuận sau thuế, đóng góp 1% vào doanh thu bán hàng của Hòa Phát và đóng góp 3% vào lợi nhuận.
Có thể thấy, Hoà Phát không phải là "tay mơ" trong lĩnh vực bất động sản. Tuy gia nhập muộn nhưng sẽ phát triển nhanh và cho ra sản phẩm chỉ 1-3 năm tới nhờ thế mạnh về tài chính và vật liệu xây dựng sẵn có.