Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Quy định diện tích đất đô thị dự kiến tăng

Thúy Nhi

23/09/2021 17:14

Theo dõi trên

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) 2 năm qua không có nhiều nguồn cung mới, cùng với đó là giá bán tăng cao, nhiều người có nhu cầu ở thực đã bắt đầu chuyển hướng sang tìm mua những căn hộ chung cư đã qua sử dụng, giá rẻ. Chiếm phần đông trong số khách hàng của phân khúc này là các cặp vợ chồng trẻ, người có thu nhập trung bình muốn có nhà ở ngay.

 Đất đô thị đã tăng nhanh 10 năm qua

Theo Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cho thấy, năm 2020 cả nước có 2.028,07 nghìn ha đất đô thị, chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên. Thời kỳ 2011 - 2020, đất đô thị tăng thêm 385,65 nghìn ha, bình quân tăng 38,57 nghìn ha/năm, đã góp phần hình thành hệ thống mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên các vùng lãnh thổ cả nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhìn chung, diện tích đất xây dựng đô thị của cả nước tăng nhanh (gấp 1,25 lần so với năm 2010); bình quân đầu người 200m2 /người, cao hơn 1,07 lần so với chỉ tiêu cho năm 2010, cơ bản đạt được yêu cầu về mức bình quân diện tích đất đô thị trên người của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, đất đô thị tăng phần lớn do các quyết định hành chính và nhanh hơn so với yêu cầu của phát triển kinh tế.

Về mặt cơ cấu sử dụng trong đất xây dựng đô thị, tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp (chiếm khoảng 31,14%), đặc biệt, tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16% đất xây dựng đô thị (yêu cầu phải đạt tỷ lệ cần thiết phải là 20 - 25%), giao thông tĩnh chỉ đạt < 1% (yêu cầu phải đạt từ 3 - 3,5% diện tích đất xây dựng đô thị).

Bên cạnh đó, diện tích đất dành cho xây dựng các công trình cấp, thoát nước, tỷ lệ đất cây xanh đạt thập so với tiêu chuẩn quy định, diện tích mặt nước (ao, hồ) trong nhiều đô thị suy giảm do san lấp xây dựng nhà ở; diện tích sân chơi và các công trình công cộng khác còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Bình quân đầu người đất ở đô thị có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng và các địa phương trên cả nước. Viêc sử dụng đất ở còn chưa tiết kiệm và hiệu quả, nhà ở chủ yếu theo hình thức chia lô, liền kề, nhà ống; nhà chung cư cao tầng còn chiếm tỷ lệ thấp, nhà cho người thu nhập thấp chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, bình quân đất đô thị của cả nước là 530m2/người, tuy nhiên giữa các vùng có sự chênh lệch lớn, cụ thể: Tây Nguyên 1.137m2/người, Trung du và miền núi phía Bắc 1.136m2/người, Đồng bằng sông Cửu Long 720m2/người, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 689m2/người, Đồng bằng sông Hồng 422m2/người và Đông Nam Bộ 197m2/người…

2-34-

 Thời gian qua đất đô thị tăng phần lớn do các quyết định hành chính và nhanh hơn so với yêu cầu của phát triển kinh tế.

Năm 2030, đất đô thị sẽ tăng 925,78 nghìn ha

Theo Dự thảo, đến năm 2030, hệ thống đô thị được phát triển hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị hướng đến kết nối các đô thị, chuỗi đô thị với nhau; triển khai xây dựng chuỗi đô thị thông minh tại một số địa phương phù hợp tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; chú trọng ứng dụng công nghệ từ quá trình hình thành, quản lý đến vận hành đô thị một cách hiệu quả…

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước đạt khoảng 53,2%; phấn đấu đạt 30m² sàn nhà ở bình quân đầu người; tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt trên 90%, các đô thị loại V đạt trên 70%; khắc phục cơ bản tình trạng ngập úng tại các đô thị từ loại IV trở lên; 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường; hệ thống đô thị đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị,... tổng diện tích đất đô thị của cả nước là 2.953,85 nghìn ha (thuộc địa giới hành chính các phường, thị trấn và các khu đô thị mới thuộc phạm vi quy hoạch phát triển của các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), tăng 925,78 nghìn ha so với năm 2020.

Trong diện tích đất đô thị cả nước quy hoạch đến năm 2030, có 251,84 nghìn ha đất ở tại đô thị, chiếm 8,52% đất đô thị, bình quân đất ở tại đô thị đạt khoảng 45,39m2/người. Diện tích đất ở tại đô thị tăng 62,69 nghìn ha so với năm 2020, trong đó: Trung du và miền núi phía Bắc có 29,34 nghìn ha, tăng 9,79 nghìn ha; Đồng bằng sông Hồng có 51,85 nghìn ha, tăng 14,10 nghìn ha; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 56,28 nghìn ha, tăng 13,21 nghìn ha; Tây Nguyên có 19,35 nghìn ha, tăng 4,69 nghìn ha; Đông Nam Bộ có 57,36 nghìn ha, tăng 10,41 nghìn ha và Đồng bằng sông Cửu Long có 37,65 nghìn ha, tăng 10,48 nghìn ha.

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Quy định diện tích đất đô thị dự kiến tăng" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com