24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi người có công, yêu cầu nộp trả hơn 2.400 tỷ đồng

Kết quả thanh tra, kiểm tra hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên toàn quốc đã phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi, yêu cầu nộp trả ngân sách Nhà nước số tiền trên 2.400 tỷ đồng.

nguoi-co-cong-voi-cach-mang-1455-1725504723.jpg

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. (Ảnh minh họa)

Phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi người có công
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Trước đó, cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giả hồ sơ, lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với người có công, thương binh, bệnh binh... nhằm trục lợi.

Trả lời nội dung này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến ngày 31/12/2023, kết quả thanh tra, kiểm tra hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên toàn quốc đã phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi, yêu cầu nộp trả ngân sách nhà nước số tiền trên 2.400 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra đã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp khai man, giả mạo tài liệu để hưởng chế độ hoặc chứng nhận sai sự thật cho người khác hưởng chế độ ưu đãi, góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định của pháp luật.

Việc chấm dứt trợ cấp đối với 24.950 đối tượng hưởng sai chế độ đã giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm ước tính trên 400 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành 3 cuộc thanh tra chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; việc quản lý, sử dụng kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng và kinh phí mộ liệt sĩ, nghĩa trang tại các tỉnh Yên Bái, Hưng Yên và Phú Yên.

Qua kiểm tra 5.129 hồ sơ và xác minh trực tiếp đối tượng, cơ quan thanh tra kiến nghị chấm dứt trợ cấp và nộp ngân sách nhà nước hơn 36 tỷ đồng đối với 229 trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ; kiến nghị xác minh đối với một số trường hợp nghi vấn không bị dị dạng, dị tật, có khả năng lao động; phát hiện nhiều trường hợp sai sót về chuyên môn khám, giám định y khoa...

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung thanh tra, trong đó có thanh tra lĩnh vực người có công với cách mạng theo kế hoạch và giám sát hoạt động thanh tra, theo dõi, đôn đốc các đối tượng đã thanh tra thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra để đảm bảo hiệu quả của công tác thanh tra.

Người có công với cách mạng là ai?
Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 quy định người có công với cách mạng bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Liệt sĩ;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;

- Bệnh binh;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;

- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

Người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng các chế độ ưu đãi nào?
Điều 5 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 quy định về các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng cụ thể như sau:

Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:

1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần;

2. Các chế độ ưu đãi khác bao gồm:

- Bảo hiểm y tế;

- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

- Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;

- Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;

- Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

- Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

- Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;

- Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;

- Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;

- Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng
Điều 7 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng cụ thể như sau:

"Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng

1. Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.

3. Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

4. Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có cộng với cách mạng để vi phạm pháp luật".

Trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng
Điều 48 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH14 quy định trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

- Quy định thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; quy định thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đối với những trường hợp còn tồn đọng;

- Quy định mức hưởng và việc thực hiện trợ cấp, phụ cấp, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chính sách, chế độ đối với người làm việc tại cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công với cách mạng; đầu tư cho công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công từ ngân sách nhà nước; quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ;

- Quy định chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước;

- Quy định chế độ ưu đãi đối với người sử dụng đất là người có công với cách mạng; đất dành riêng cho công trình ghi công liệt sĩ, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng khác; hỗ trợ cơ sở vật chất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh;

- Quy định chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp bằng các hình thức ưu tiên giúp đỡ về giống, vật nuôi, cây trồng, thủy lợi phí, chế biến nông sản, lâm sản, áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất;

- Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và chính sách, chế độ đối với cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ;

- Quy định về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;

- Quy định việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng;

- Xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu trong thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

- Quy định việc giám định y khoa để xem xét công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng
Điều 49 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH14 quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

- Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

- Tổ chức lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng phương án xác định công trình ghi công liệt sĩ trong các quy hoạch có liên quan;

- Hướng dẫn, chỉ đạo công tác tiếp nhận hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thông tin về mộ liệt sĩ;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; tuyên truyền, vận động, tổng kết, đánh giá, nhân rộng điển hình tiên tiến và công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực người có công với cách mạng;

- Tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về người có công với cách mạng, xử lý theo quy định về trách nhiệm, thẩm quyền được giao;

- Hướng dẫn thực hiện quản lý, chi trả chế độ trợ cấp và phụ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

- Thực hiện hợp tác quốc tế về người có công với cách mạng.