Xét hưởng chế độ ốm đau cần có giấy tờ gì?

Bà Võ Thị Hồng Nhung (TPHCM) làm việc tại công ty may, có đóng BHYT, BHXH. Bà Nhung đi khám bệnh tại phòng khám đa khoa nhưng không dùng BHYT, nên phòng khám chỉ cho bà giấy xác nhận có bệnh và được nghỉ 1 ngày. Bà Nhung hỏi, bà có được hưởng chế độ ốm đau không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: "Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế".

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 14 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 quy định chi tiết thi hành Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế gồm:

- Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Căn cứ quy định nêu trên, việc xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động căn cứ vào điều kiện hưởng và hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng đối với người lao động theo quy định.

Trường hợp của bà Nhung không dùng thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh, không ảnh hưởng đến quyền lợi về chế độ BHXH đối với bà. 

Tuy nhiên, để hưởng chế độ ốm đau, bà cần phải có một trong các hồ sơ theo quy định nêu trên để nộp cho đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ, gửi cơ quan BHXH để xem xét, giải quyết hưởng.